Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trong đó, việc tạm dừng đóng BHXH
Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trong đó, việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều khó khăn bủa vây
Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19. Hầu hết doanh nghiệp trong các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, trong đó gồm: 97% doanh nghiệp tư nhân sản xuất cơ bản và may mặc; 100% doanh nghiệp FDI lĩnh vực bất động sản. Đà Nẵng là địa phương có số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất với 98% doanh nghiệp, tiếp theo là Kon Tum, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế…
Đa số doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động. Tỷ lệ lao động phải nghỉ việc do COVID-19 cũng rất đáng quan tâm như: 30% người lao động trên cả nước đã bị cho nghỉ, dừng làm việc dưới các hình thức khác nhau, trong đó các doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 32% và doanh nghiệp FDI chiếm 17%. Bên cạnh đó, 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết doanh thu năm 2020 bị giảm so với năm 2019, trong đó mức giảm trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36%, với doanh nghiệp FDI là 34%. Doanh nghiệp mới thành lập, quy mô siêu nhỏ và nhỏ có mức giảm doanh thu cao nhất.
Bối cảnh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải xoay sở để thích ứng. Theo đó, 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI đã thực hiện ít một biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, bao gồm: Dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu; áp dụng cách làm mới, linh hoạt; đào tạo kỹ năng số cho người lao động; chi trả cho người lao động tự cách ly; tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới; áp dụng tự động hóa...
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, đại dịch COVID-19 đã khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Chính sách hỗ trợ đang phát huy hiệu quả
Thời gian qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, đã có 95 văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ như: Giảm giá dịch vụ, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, vốn, lao động, tạm dừng đóng BHXH… Khảo sát của VCCI cho thấy, một số chính sách nhận được sự phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp. Trong đó, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, có 4% doanh nghiệp tư nhân đánh giá rất dễ tiếp cận, 22% đánh giá dễ và 23% đánh giá tương đối dễ. Tỷ lệ đánh giá ở mức tương tự với doanh nghiệp FDI như sau: 2% đánh giá rất dễ; 22% đánh giá dễ và 26% đánh giá tương đối dễ.
Cũng theo khảo sát của VCCI, đa số doanh nghiệp đánh giá các chính sách hỗ trợ là hữu ích. Với việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, 20% doanh nghiệp tư nhân đánh giá rất hữu ích, 39% đánh giá hữu ích, 21% đánh giá khá hữu ích. Với các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ đánh giá lần lượt là: 16%, 35%, 23%.
Trao đổi về việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, ông Đinh Duy Hùng- Phó Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) khẳng định: Ngành BHXH Việt Nam luôn chú trọng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT đúng, đủ, kịp thời, đặc biệt trong thời gian thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành. Theo ông Hùng, BHXH Việt Nam luôn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngay khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, Ngành đã chủ động triển khai thực hiện nhanh chóng, đồng bộ.
Đến nay, toàn Ngành đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho gần 1.700 đơn vị, với trên 160.000 lao động và số tiền tạm dừng đóng trên 620 tỷ đồng. Đồng thời, đã xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với gần 170.000 người lao động; xác nhận danh sách người lao động bị ngừng việc đối với trên 600.000 người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Toàn Ngành cũng đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, từ cuối năm 2020, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động, qua đó tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan BHXH trong việc đóng- hưởng BHXH, BHYT cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, đem lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm