Theo cáo trạng, trong toàn bộ các lần nhận tiền hối lộ, bị cáo Nguyễn Thế Anh không trực tiếp nhận tiền từ “trùm buôn lậu” Phan Thanh Hữu, mà giao cho em họ đi nhận vào ngày 15 hằng tháng…
>>200 triệu lít xăng lậu đi theo đường nào?
Theo đó, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn thành cáo trạng trong vụ án "buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và "không tố giác tội phạm". 14 bị cáo của vụ án có liên quan đến đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do bị can Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu. Trong đó, bị can Nguyễn Thế Anh, bị truy tố về hành vi "nhận hối lộ" và "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Theo cáo trạng, từ tháng 11/2011, Phan Thanh Hữu đã quen biết với Nguyễn Thế Anh nên khoảng tháng 9/2019, Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia để bán kiếm lời đã đặt vấn đề buôn lậu xăng. Đối tượng nhờ bị can Nguyễn Thế Anh giúp đỡ, khi đó đối tượng đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho Thế Anh từ 30.000USD và 100 triệu đồng. Tổng số tiền từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, Hữu đã chi cho Thế Anh là 150.000 USD và 500 triệu đồng. Đến đầu năm 2020, Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên Hữu đã hẹn gặp Thế Anh tại Khách sạn REX (trước đây có tên là Khách sạn Bến Thành), ở đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Tại đây, Hữu đặt vấn đề về việc vận chuyển xăng nhập lậu để tiêu thụ ở trong nước, nhờ Thế Anh giúp đỡ và tiếp tục được Thế Anh đồng ý. Trong quá trình thoả thuận, Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác nữa, với tổng số tiền mỗi tháng là 60.000USD và 950 triệu đồng, Hữu chấp nhận chi hối lộ cho Thế Anh từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021.
Cụ thể, từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2020, mỗi tháng Hữu chi cho Thế Anh 60.000USD và 950 triệu đồng; tổng cộng là 360.000USD và 5.700.000.000 đồng. Tháng 8/2020, Hữu biết Thế Anh đã chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, mỗi tháng Hữu chỉ chi cho Thế Anh số tiền 10.000USD, tổng cộng là 50.000 USD. Như vậy, tổng số tiền Hữu đã chi để hối lộ cho Nguyễn Thế Anh trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021 là 560.000 USD và 6.200.000.000 đồng.
Trong toàn bộ các lần nhận tiền hối lộ, Thế Anh không trực tiếp nhận tiền từ Hữu, mà giao cho Nguyễn Văn An (SN 1989, quê quán Thanh Hoá, trú tại: A5-319 Chung cư Sài Gòn Town, 83/16 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thanh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), là em con chú ruột của Thế Anh đi nhận.
Sau đó, cứ vào khoảng ngày 15 hàng tháng, Hữu chủ động gọi điện cho An hoặc An gọi cho Hữu để hẹn thời gian đến lấy tiền. Các lần đi nhận tiền An sử dụng xe mô tô nhãn hiệu AirBlade màu đen đỏ, BKS 29T1-442.88; địa điểm giao, nhận tiền là trước cửa nhà Phan Thanh Hữu, số 135/1/38 đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi giao tiền, Hữu đều sắp xếp thành các cọc tiền, tiền đô la Mỹ loại mệnh giá 100 USD, tiền Việt Nam loại mệnh giá 500.000 đồng, để trong túi nilon màu đen, buộc gọn để bỏ vừa vào cốp xe mô tô của An để An đem về.
Từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, mỗi tháng An nhận tiền của Hữu chi cho Thế Anh số tiền 30.000USD và 100.000.000 đồng. Trong đó, tháng 10, tháng 12/2019 và tháng 2/2020 An trực tiếp nhận, tháng 11/2019 và tháng 1/2020, An nhờ Cao Phước Hoài, sinh năm 1996, cư trú tại khu phố Trường Xuân Đông, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, lúc đó là nhân viên bán xăng tại cây xăng do An quản lý đi nhận hộ. Khi nhờ Hoài đi nhận tiền hộ, An không nói cho Hoài biết là nhận tiền gì và nhận cho ai mà chỉ nhắn tin gửi số điện thoại của Hữu cho Hoài và hướng dẫn đường đi đến nhà Hữu để nhận tiền.
>>Xăng giả, xăng lậu lộng hành từ “kẽ hở” chính sách
Từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2020, mỗi tháng An trực tiếp nhận của Hữu chi cho Thế Anh 60.000USD và 950.000.000 đồng. Đến tháng 9/2020, An gọi điện cho Hữu để nhận tiền, thì Hữu nói Thế Anh đã chuyển công tác làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên không muốn chi tiền cho Thế Anh nữa. An điện thoại cho Thế Anh để Anh làm việc với Hữu.
Sau đó, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, mỗi tháng An nhận của Hữu chi cho Thế Anh 10.000USD. Trong đó, các tháng 9, 10, 11/2020 và tháng 1/2021 An trực tiếp nhận, còn tháng 12/2020, do bận việc nên An nhờ Nguyễn Văn Quân, sinh năm 2002, cư trú tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đi nhận hộ. Khi nhờ Quân đi nhận hộ tiền của Hữu cho Nguyễn Thế Anh, An chỉ nói là đi nhận tiền giúp, không nói là nhận tiền gì và nhận cho ai và yêu cầu Quân khi nhận tiền về mang đến gửi cho Lê Hùng Phong, tại cây xăng Bình Long, số 622 đường Bình Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh để hôm sau An đến lấy.
Như vậy, trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021, Nguyễn Văn An đã 16 lần nhận tiền của Phan Thanh Hữu mang về cho Nguyễn Thế Anh. Trong đó Nguyễn Văn An trực tiếp nhận 13 lần, An nhờ bị can Cao Phước Hoài đi nhận hộ 2 lần và nhờ Nguyễn Văn Quân đi nhận hộ một lần. Tổng cộng số tiền Nguyễn Văn An đã nhận của Phan Thanh Hữu đưa hối lộ cho Nguyễn Thế Anh là 560.000 USD và 6.200.000.000 đồng.
Sau khi nhận tiền từ Hữu, An thường thông báo cho Thế Anh biết, cũng có lần An không báo. Số tiền nhận được từ Hữu, An mang về nhà kiểm đếm rồi cất vào két sắt của gia đình hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Khi Thế Anh về TP Hồ Chí Minh thì An trực tiếp đưa tiền cho Nguyễn Thế Anh ở các địa điểm như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hoặc ở ngoài đường. Những lần Thế Anh cần tiền Việt Nam đồng thì An mang tiền đô la Mỹ đổi ra tiền Việt Nam, có lần An đưa cả tiền đô la Mỹ.
Về hành vi tổ chức cho bị can Nguyễn Văn An trốn ra nước ngoài trái phép của bị can Nguyễn Thế Anh, cáo trạng nêu, sau khi Phan Thanh Hữu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra vào tháng 3/2021, Nguyễn Thế Anh gọi điện thoại cho Nguyễn Văn An tìm cách trốn đi lánh nạn một thời gian.
Cuối tháng 3/2021, Nguyễn Thế Anh đã gọi điện cho bạn là Tạ Phi Sơn (cư trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) liên hệ Đặng Huy Bình (trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tìm việc giúp An.
Đầu tháng 4/2021, An được chở tới cửa khẩu Lao Bảo, do không có hộ chiếu và sợ bị phát hiện nên An không làm thủ tục đi qua cửa khẩu theo đường chính ngạch. An bắt xe ôm ra khu đường rừng, thuê người dẫn đường (hết 10 triệu đồng) để vượt biên trái phép sang Lào làm việc tại lán trại của Bình ở tỉnh Savannakhet. Hơn 1 tháng sau, An bị Công an bắt giữ, bàn giao cho Công an Việt Nam.
Theo dự kiến, ngày 12/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 12 đến 14/7) do Thẩm phán - Thượng tá Nguyễn Hồng Phong làm chủ tọa. Hiện có khoảng 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Có thể bạn quan tâm