The Sharper Image bị tờ San Francisco Examiner gắn mác “bán đồ không ai thèm mua”, còn ông Thalheimer có tên trong danh sách ‘Sếp Tệ Nhất Nước Mỹ’
Nền kinh tế suy yếu và khủng hoảng đầu thập niên 1990 đã đưa xu hướng mua sắm tiết kiệm, thân thiện với môi trường lên ngôi, khiến The Sharper Image phải thay đổi danh mục sản phẩm với những giày sandal Birkenstock, vitamin tăng lực, hay ghế băng làm từ nhựa tái chế.
Thành công không ổn định
Tuy nhiên, chiến lược này không giúp công ty phát triển rực rỡ như trước. Trong giai đoạn 1989 - 1991, doanh thu giảm 28%, nhân công tụt 20%, giá cổ phiếu rơi còn 2 đô - The Sharper Image lần đầu báo lỗ từ khi thành lập.
Cả công ty lẫn giám đốc đều được “điểm mặt” trên báo chí: The Sharper Image bị tờ San Francisco Examiner gắn mác “bán đồ không ai thèm mua”, còn ông Thalheimer có tên trong danh sách ‘Sếp Tệ Nhất Nước Mỹ Năm 1988’ của Tạp chí California Magazine vì thói quen quản lí quá khắt khe.
Giữa những khó khăn ấy, ông Thalheimer trở về với chiêu “sản phẩm độc lạ”: ông bắt gặp một quầy bán lót giày tại một hội chợ đường phố ở San Francisco, thế rồi The Sharper Image rao bán món này với giá 19.99 đô/đôi - ngay lập tức miếng lót giày trở thành sản phẩm bán chạy nhất của công ty với hàng ngàn đôi được bán mỗi ngày, giúp doanh thu tăng 50%.
Năm 2000, khi thấy chiếc xe đẩy hiệu Razor tại một triển lãm đồ chơi của Hong Kong, ông Thalheimer liền chốt hợp đồng độc quyền 24 tháng. Chỉ trong năm đầu, The Sharper Image bán được 1 triệu chiếc xe đẩy; nhờ sự xuất hiện của Internet và bán hàng trực tuyến, chiếc xe đã “hẩy” công ty đến năm có doanh thu tốt trong 23 năm lịch sử.
Gậy ông đập lưng ông
Dù bị gắn mác là “công ty một sản phẩm” với phương pháp “truyền thống”: tìm những món đồ lạ, kí hợp đồng phân phối độc quyền, rồi bán ra dưới thương hiệu của The Sharper Image, chỉ cần một vài món nổi bật cũng đủ cho công ty ăn nên làm ra.
Tuy nhiên, giám đốc Thalheimer thừa hiểu rằng nếu công ty tự thiết kế hàng độc thì lợi nhuận còn dồi dào hơn nữa, nên ông lập ra một đội gồm các kĩ sư và nhà thiết kế để tạo ra những sản phẩm cây nhà lá vườn. Cả đội làm việc tại một địa điểm bí mật ở phía bắc San Francisco, cho ra đời khoảng 300 bằng sáng chế và 100 sản phẩm, từ gương chống mờ đến vòng tay “giúp” người đeo không ngáy bằng những cú điện giật nhẹ.
Đỉnh cao trong số này là chiếc máy lọc không khí Ionic Breeze: The Sharper Image đã dồn tất cả nguồn lực để thiết kế và quảng cáo sản phẩm này trên mọi phương tiện, và chiếc máy không khác gì máy in tiền của công ty: bất chấp mức giá 229 đô, doanh số bán máy lọc chiếm 45% tổng doanh số công ty lúc bước qua thiên niên kỉ mới năm 2000.
Rồi vấn đề cũng xuất hiện: năm 2002, tạp chí tiêu dùng Consumer Reports “bầu” Ionic Breeze là chiếc máy lọc vô hiệu nhất. Giám đốc Thalheimer đùng đùng nổi giận kiện tạp chí vì đã “cố tình coi thường sản phẩm”, nhưng vụ kiện bị bác bỏ và ông giám đốc phải mất 525 nghìn đô tiền án phí. Ba năm sau, Consumer Reports lại cáo buộc Ionic Breeze thải ra một lượng ozone gây nguy hại, một lần nữa ông Thalheimer vác hồ sơ đi kiện, và… lại thua.
Đế chế suy tàn
Những sự cố trên khiến The Sharper Image mất hàng triệu đô tiền đổi trả và bồi hoàn, và rồi các cổ đông cũng nghi ngờ khả năng của ông Thalheimer. Đầu năm 2006, một nhóm cổ đông bên ngoài có tên là Knightspoint Partners, đứng đầu là trùm đầu cơ chứng khoán Jerry Levin, sở hữu 13% công ty. Nhóm này ban đầu dự định sẽ giúp Thalheimer khôi phục The Sharper Image, nhưng dần lộ rõ mục đích đẩy vị giám đốc ra đường để tái thiết công ty theo ý của họ. Tháng 9 cùng năm, Thalheimer bị sa thải và bị buộc bán toàn bộ cổ phần còn lại của mình với giá 26 triệu đô - bằng một phần nhỏ so với giá trị ông từng giữ lúc trước.
Knightspoint muốn biến The Sharper Image thành nhà bán lẻ đồ điện tử gia dụng giống như Circuit City hay Best Buy, một định hướng mà theo lời Thalheimer là “làm mất đi tính sáng tạo”. Và thành công cũng rời bỏ: năm 2008, khi cổ phiếu công ty tụt xuống còn… 28 xu, The Sharper Image tuyên bố phá sản, đóng toàn bộ 183 cửa hàng, sa thải 4.000 nhân viên.
Giờ đây, The Sharper Image vẫn tồn tại kênh bán hàng qua mạng và được điều hành bởi một nhóm đầu tư khác, nhưng nó chỉ còn là cái bóng mờ của đế chế hàng độc trước kia.
***
Còn ông Thalheimer? Ông lập ra trang bán thiết bị RichardSolo.com, đồng thời tham gia đầu tư. Khi trả lời phỏng vấn The Hustle, ông cho biết tổng tài sản của ông đã tăng 3 - 4 lần so với khi ông bị sa thải, quá trình đầu tư chứng khoán giúp ông kiếm được 50 - 100% lợi nhuận mỗi năm, và trên hết là cuộc sống của ông thoải mái hơn nhiều so với khi làm giám đốc…
… nhưng ông cũng không hoàn toàn rời bỏ đế chế xưa của mình: tại biệt thự của ông ở Hạt Marin (California) vẫn còn hai món đồ trong cuốn danh mục: bộ áo giáp được trang trí xa hoa và chiếc điện thoại không dây, treo lủng lẳng trên tai bộ giáp.
Có thể bạn quan tâm