Các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ gần đây đã gia tăng và chưa có bất kỳ dấu hiệu cho thấy sẽ giảm bớt đã thổi bùng những rủi ro đe dọa gián đoạn dòng chảy vận tải hàng hải.
>>Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp
Chia sẻ với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, đơn hàng còn chưa kịp phục hồi do giảm cầu năm 2023 thì tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại thêm “cú đấm bồi” giá cước tăng cao và nhiều rủi ro phát sinh.
Theo ông Đào Trọng Khoa: Tất cả các tuyến xuất nhập từ Châu Âu và Châu Á giá cước đều biến động không ngừng và thay đổi liên tục theo ngày. Cước cả hai tuyến châu Á và châu Âu đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Ví dụ, tháng 12/2023 cước đi Hamburg, Southampton, Gransk ở mức 2000-2500 USD/container. Tuy nhiên đến tháng 1/2024, các tuyến này đã tăng ở mức 6000 USD/container. Các hãng tàu không nhận hoặc hạn chế vận chuyển những lô hàng đặc biệt, hàng DG (hàng nguy hiểm).
Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển (transit time) của tàu kéo dài thêm mỗi tuyến 15-20 ngày so với trước đây do hãng tàu phải chuyển hướng đi qua Mũi Hảo Vọng thay vì đi qua hướng Biển Đỏ để tránh chiến sự đang căng thẳng tại khu vực này.
Đáng nói, ảnh hưởng từ sự cố Biển Đỏ không chỉ tới tuyến châu Âu mà lan sang cả các tuyến tưởng như không bị ảnh hưởng như tuyến Bắc Mỹ do việc thời gian vận chuyển kéo dài làm giảm thời gian quay vòng của tàu và các thiết bị vận chuyển như container, dẫn đến việc phải bổ sung tàu, thiết bị vào các tuyến hiện hữu bên ngoài các “hiệu ứng domino” khác. Báo cáo cuối tuần của công ty nghiên cứu Drewry, các chỉ số container thế giới (World Container Index – WCI) cũng tăng 40-60% cho bờ Tây và bờ Đông nước MỸ.
- Dự báo diễn biến tình hình thời gian tới sẽ theo hướng nào, thưa ông?
Hiện 1 số hãng tàu vẫn đang tăng giá, thậm chí phụ thu phí và ngừng nhận booking các tuyến đường vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế. Tính đến ngày 11 tháng 1, 517 tàu vận tải có sức chứa gần 7 triệu TEU (gần 25% sức chứa toàn cầu) đang tích cực chuyển hướng, sẽ chuyển hướng hoặc đã chuyển hướng Kênh Suez. Con số này nằm trong số gần 735 tàu thường đi qua Kênh đào Suez, đã được chuyển hướng từ Panama sang Kênh đào Suez (do các hạn chế về dự thảo khiến việc vận chuyển bị hạn chế) hoặc năng lực mới được bổ sung cho các dịch vụ thường sử dụng Kênh đào Suez.
Đáng lo ngại hơn, chưa có dấu hiệu về thời điểm xung đột sẽ được giải quyết và việc chuyển hướng tàu sẽ tiếp tục. Ngoài mức giá tăng cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên chuẩn bị cho tình trạng thiếu thiết bị có thể sẽ xảy ra vào nửa cuối tháng Giêng. Các container sẽ bị mắc kẹt trên mặt nước trong thời gian dài hơn và sẽ không còn ở những khu vực cần thiết nữa. Tình trạng thiếu thiết bị trầm trọng có thể dẫn đến việc tăng giá cước hơn nữa vì một số chủ hàng sẵn sàng tăng giá để đảm bảo chuyến đi, đặc biệt là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Hơn nữa, khi các hãng vận tải tiếp tục chuyển hướng tàu và sử dụng các tuyến đường thay thế để giao hàng, các tàu có thể sẽ bắt đầu tập trung tại các cảng, điều này có thể dẫn đến tình trạng cập cầu chậm và tăng thời gian dừng tại bến.
Năm 2023 đã rất khó khăn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải cố gắng với các đơn hàng sụt giảm từ các thị trường chủ lực châu Âu, nay lại thêm sự cố không mong muốn Biển Đỏ như “cú đấm bồi” gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
-Ông có thể phân tích thêm về “cú đấm bồi” với doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, không chỉ chi phí tăng cao mà còn khó khăn trong việc lấy booking cho những lô hàng khẩn cấp, không nằm trong kế hoạch trước đó. Chỗ trên tàu không đủ để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, chất lượng hàng hoá và lợi nhuận của doanh nghiệp do đã ký hợp đồng trước thời điểm tăng giá cước và giờ họ phải chịu cho chi phí phát sinh hiện tại, chưa kể khả năng mất hàng, hỏng hàng có thể xảy ra nếu tàu chở hàng bị tấn công khi đi qua Biển Đỏ…
Cước tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, do một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhập nguyên liệu để chế biến và gia công. Chi phí sản xuất và vận chuyển tăng ảnh hưởng đến giá thành làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Vậy ông có lưu ý gì với các doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu?
Ngoài việc tích cực theo dõi chặt chẽ diễn biến về tình hình biến động tại Biển Đỏ, các doanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch, đàm phán với đối tác để điều chỉnh kế hoạch. Hiện chúng ta chủ yếu xuất khẩu theo hình thức FOB - người mua trả cước vận chuyển, doanh nghiệp phải thương lượng với khách hàng để có phương án thay thế tốt nhất hoặc chia sẻ chi phí phát sinh vì đây có thể coi là những tình hướng bất khả kháng.
Về dài hạn, chúng ta thấy vai trò của các trung tâm logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu ở các Hub quốc tế và khu vực. Đây sẽ là nơi lưu trữ nguồn hàng dự phòng, vùng đệm cho hàng hóa trong nhưng tình huống phát sinh.
-Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, ông có đề xuất gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Cơ quan quản lý Nhà nước ngoài việc cập nhật liên tục, kịp thời các thông tin mới nhất từ các thị trường trọng điểm như Châu Âu, MỸ, cũng cần theo dõi sát sao việc tăng giá cước không căn cứ, theo “hiệu ứng domino” để tránh sự tăng giá cước “vô kiềm tỏa” như trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua.
Ngay từ lúc này, cần định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp logistics đa dạng hóa các tuyến và hình thức vận tải, khuyến khích kèm các ưu đãi để doanh nghiệp mở các tuyến vận tải mới, đặc biệt các tuyến vận chuyển đường sắt hay như vận tải đa phương thức Viễn Đông,... đầu tư, triển khai các trung tâm logistics ở các thị trường trọng điểm để có các phương án dự phòng cho hàng hóa xuất nhập khẩu trong các tình hướng tương tự trong tương lai.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm