Nhìn lại quá khứ, sẽ thấy biến động nghịch pha giữa VN-Index và lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước diễn ra khó rõ. Biến động kỳ này có còn lặp lại?
>>Margin tăng, có rủi ro "bom nợ" trên thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán luôn có các phản ứng trước, trong và sau các đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của các Ngân hàng trung ương. Với trường hợp ở Việt Nam cũng vậy.
Trong năm 2023, kể từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành cho thấy nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, khác với 2 lần đầu, khi mà thị trường chứng khoán có phản ứng khá mờ nhạt với hạ lãi suất do nhà đầu tư trên thị trường phần nào đã kỳ vọng sẵn động thái này từ NHNN, lần thứ 3 và 4 ghi nhận diễn biến thị trường lại tích cực hơn rất đáng kể sau khi thông tin được công bố.
Cụ thể dữ liệu của chúng tôi phản ánh kể từ lần đầu NHNN ra quyết định hạ lãi suất điều hành đầu tiên trong năm (15/03/23), tính cho đến nay thì chỉ số chính của thị trường chứng khoán, VN-Index, đã tăng 6,3%.
Song đây chỉ là so sánh trong ngắn hạn do việc hạ lãi suất liên tục trong thời gian ngắn, việc xác định sự thẩm thấu của những lần hạ lãi suất trước vào thị trường theo chúng tôi vẫn còn khó dự báo.
Nếu nhìn về xa hơn trong lịch sử, thì thị trường chứng khoán và lãi suất điều hành của NHNN thường có xu hướng ngược nhau. Khi NHNN hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán thường có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại.
Sự biến động nghịch pha còn rõ rệt hơn khi nhìn vào mỗi giai đoạn trong quá khứ của VN-Index và lãi suất điều hành.
>>3 doanh nghiệp "họ Apec" nói gì về thông tin "khởi tố vụ án thao túng chứng khoán"?
Có thể thấy đà tăng, giảm lãi suất điều hành đi kèm các động thái bơm hút tiền liên tục từ NHNN trong các giai đoạn có tác động rất lớn đến dòng tiền đầu tư.
Chúng tôi nhận thấy, việc giảm lãi suất liên tục trong một thời gian ngắn có thể chưa giúp thị trường tăng mạnh, tuy nhiên lãi suất điều hành giảm và duy trì trong thời gian đủ lớn thì thị trường chứng khoán thường tăng mạnh và ngược lại; trừ giai đoạn lãi suất và thị trường thiếu ổn định từ 2008 - 2009, NHNN giảm 8% lãi suất điều hành (tương ứng 7 lần giảm liên tiếp) chỉ số VN-Index đã ghi nhận đà tăng mạnh tới 78,36%.
Nhìn chung, FIDT cho rằng lãi suất huy động toàn thị trường và lãi suất điều hành đã vào giai đoạn hỗ trợ cho nền kinh tế và tạo tiền đề cho lãi suất vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Sự tương quan chặt chẽ giữa lãi suất và VN-Index trong suốt nhiều năm qua sẽ là động lực giúp thị trường hồi phục mạnh trong nửa cuối 2023.
Về triển vọng ngành và cơ hội đầu tư, chúng tôi đặc biệt chú ý đến 2 ngành có câu chuyện và tiềm năng đáng đầu tư ở thời điểm hiện tại gồm Chứng khoán và Đầu tư công.
Lưu ý là ngoài sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, cụ thể ở đây là chính sách hạ lãi suất điều hành thời gian thẩm thấu sẽ thể hiện trong tương quan VN-Index như đề cập ở trên, nội tại của thị trường chứng khoán cũng đang có những yếu tố tích cực dần lên. Tuy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng đang có những triển vọng lớn, với: 1)Thanh khoản thị trường hồi phục với giá trị giao dịch cùng số lượng tài khoản mở mới tăng trở lại. 2) Hệ thống KRX đi vào hoạt động góp phần tăng mạnh mẽ thanh khoản.
Trong đó, diễn biến chỉ số ghi nhận đà tăng tích cực, kết thúc phiên giao dịch 23/6, VN-Index đạt 1.129,38 điểm, tăng 5,04% so với tháng 5/2023 và tăng 12,14% so với cuối năm 2022.
Thanh khoản thị trường cũng có sự đi lên rõ rệt. Tháng 3/2023, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên trên HoSE chỉ đạt hơn 9.200 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 20% lên gần 11.200 tỷ đồng trong tháng 4, tăng tiếp lên 12.200 tỷ trong tháng 5. Riêng trong nửa đầu tháng 6, quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên của HoSE lên tới 17.400 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với trước đó 3 tháng.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5. Con số này gấp gần 5 lần lượng tài khoản mở mới so với tháng 4 và là mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 8/2022. Tính đến cuối tháng 5, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,1 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7% dân số.
Bên cạnh đó, thông tin vào đầu tháng 6, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đang đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc (KRX) nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường thứ cấp; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Chính những triển vọng trên sẽ giúp cho thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục lạc quan và thanh khoản dự kiến sẽ còn cải thiện trong nửa sau của năm 2023.
Có thể bạn quan tâm