Biển Đông sẽ như thế nào trong năm 2021?

SÔNG HÀN 04/01/2021 05:00

Năm 2021 sẽ vẫn bị ám ảnh bởi những ‘di sản của năm 2020’, bao gồm một đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn và ‘điểm nóng’ Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đường băng và cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: AP.

Đường băng và cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: AP

Trung Quốc tiếp tục thể hiện tham vọng ở Biển Đông

Trong những ngày cuối năm 2020, Trung Quốc dường như có dấu hiệu bành trướng phạm vi quản lý của cái gọi là “Trung tâm điều phối cứu nạn Tam Sa” trên danh nghĩa cứu hộ cứu nạn và cảnh báo hàng hải ở Biển Đông.

Cụ thể, trong vụ tàu hàng Dong Yang gồm 10 thuyền viên chở 3.000 tấn gạo đóng bao từ cảng Mỹ Thới - An Giang đi Malaysia thì gặp nạn, nên đề nghị hỗ trợ khẩn cấp vào ngày 21/12/2020. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã nỗ lực điều phối tàu ứng cứu và rốt cuộc tàu hàng JPO PISCES đã cứu thành công 10 thuyền viên của tàu Dong Yang.

Tuy nhiên, ngày 26/12/2020, Cục Hải sự Hải Nam – Trung Quốc đã đưa ra thông báo về tàu trôi dạt tại hai vị trí 6-32.0N/110-51.0E và 7-20.0N/110-37.0E. Điều nực cười là hai vị trí này ở phía nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam, không liên quan gì đến Cục Hải sự tỉnh Hải Nam hoặc cái gọi là “Trung tâm điều phối cứu nạn Tam Sa”.

Và cũng không rõ tình huống cứu nạn của tàu JPO PISCES diễn ra như thế nào. Nhưng, Trung Quốc sau đó đã ra sức quảng bá việc cứu nạn này như là một thành công riêng của công tác cứu hộ cứu nạn ở Biển Đông của Bắc Kinh.

Đến ngày 28/12/2020, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam liên tiếp công bố 4 cảnh báo hàng hải cho biết nước này sẽ tiến hành huấn luyện quân sự tại 4 khu vực ở Biển Đông trong thời gian từ ngày 29/12/2020 đến ngày 7/1/2021.

Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động phi pháp trong nhiêu năm qua trên Biển Đông như: Tấn công mạng quân sự và dân sự, hỗ trợ lực lượng hải quân ngụy trang thành tàu dân sự, quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, xây dựng khả năng tác chiến chiến lược, vũ trụ, không gian mạng, điện tử và tâm lý chiến tranh và gây áp lực kinh tế cho các nước nhỏ để xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần ở nước ngoài và thiết lập cơ sở hạ tầng tại các vị trí hàng hải chiến lược..v..v.

Trung Quốc tuyên truyền về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông thông qua rất nhiều cách thức như cài cắm “đường lưỡi bò” trong các tài liệu hội thảo… Song song, từ sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết năm 2016, các học giả Trung Quốc đã viết loạt bài bác bỏ thẩm quyền của Tòa cũng như giá trị của phán quyết.

Đáng lên án, năm 2020 Trung Quốc đã lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước.

Theo một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS),  nửa cuối năm 2020, các cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc tăng gần 50% từ 44 trong năm 2019 lên 65 năm nay. Đồng thời, Trung Quốc đang triển khai chương trình đóng tàu cấp tốc giữa lúc hạm đội tuần duyên của họ ngày càng hung hăng trong việc xua đuổi tàu cá của các nước trong khu vực..v..v.

Từ thực tế trên, cùng với chủ trương thúc đẩy lập trường quan điểm của mình về cái gọi là “đường lưỡi bò” trên khắp thế giới, nó đã gây nên phản ứng mạnh của Chính phủ và người dân ở nhiều nước. Nguy cơ xung đột vũ trang xuất phát từ tranh chấp Biển Đông đang gia tăng vì các hoạt động phi pháp của quốc gia này.

Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Các tàu cá Trung Quốc  hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa Xã

Môi trường chính trị xấu đi vì tham vọng của Trung Quốc

Dĩ nhiên, các hoạt động phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở năm mới 2021. Đơn giản vì mục tiêu cơ bản của Trung Quốc là độc chiếm, kiểm soát Biển Đông không thay đổi và nó sẽ còn tạo nên những mâu thuẫn , bất đồng chính kiến cho dư luận quốc tế.

Chẳng hạn: Trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực, nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại đã đưa ra những đề xuất và dự đoán cho chính quyền mới. Chủ đề nhận được sự chú ý nhiều hơn cả là quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là chính sách của Mỹ liên quan đến cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa hai nước ở Biển Đông

Theo đó, Chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt với cả thách thức lẫn cơ hội liên quan đến Trung Quốc, ASEAN và Biển Đông. Các mục tiêu của Mỹ trong khu vực không thay đổi nhưng Washington có thể thay đổi cách tiếp cận, đặc biệt là với ASEAN.

Thực tế đến nay, sự hiện diện gần như liên tục của tàu hải quân các nước Mỹ và Úc đến giờ giúp ngăn chặn mọi cuộc xung đột. Để duy trì lợi thế chiến lược trước Hải quân Trung Quốc với lực lượng chiến đấu đã tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong hai thập kỷ, Hải quân Mỹ có kế hoạch hiện đại hóa các tàu nhỏ hơn, nhanh hơn và thậm chí được điều khiển từ xa.

Hải quân, thủy quân lục chiến và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ hôm 17/12 công bố chiến lược hàng hải 3 bên mới Advantage at Sea (tạm dịch: Ưu thế trên biển), nhằm đáp trả mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc với tham vọng bành trướng ở Biển Đông.

Nói cách khác, nhằm chống lại Trung Quốc, Mỹ đã điều tàu đến khu vực thường xuyên hơn để thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Nhưng việc này cũng có mặt tiêu cực của nó là Trung Quốc có thể tận dụng những hoạt động tự do hàng hải là cớ để quân sự hóa các đảo nhân tạo, tiến hành các hoạt động phi pháp khác ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ rêu rao rằng hành động này nhằm mục đích tự vệ trước việc làm mà Trung Quốc cho là sự đe dọa từ Mỹ.

Dẫu vậy, hiện Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn với Mỹ và các đồng minh, còn Mỹ thì đang bị phân tâm bởi những thách thức hậu bầu cử và khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng các điểm nóng khác ở nước ngoài. Cả hai dường như đã phát triển những phương thức hoạt động nhằm tránh xảy ra tình huống xấu nhất. 

Thế nhưng, môi trường chính trị chung trong khu vực tiếp tục xấu đi, kèm theo một loạt diễn biến căng thẳng, chẳng hạn một số quốc gia có thể kiện Trung Quốc theo các điều khoản giải quyết tranh chấp trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khiến quan hệ giữa các bên ngày càng xấu đi, thậm chí dẫn tới cuộc đụng độ của các lực lượng dân quân biển.

Hay cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN bị đổ vỡ do thiếu sự hợp tác từ phía Trung Quốc. Mỹ sẽ nắm bắt cơ hội này để tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN và gây sức ép ngày càng lớn buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Tiếp đến, đường dây liên lạc quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị phá vỡ, khi đó cả hai sẽ phải sử dụng hành động để báo hiệu cho phía bên kia về ý định của mình.

Có thể nói, Trung Quốc luôn sử dụng những hình ảnh đẹp đẽ để truyền bá về một đất nước yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật quốc tế. Nhưng trên thực tế, những hình ảnh đó và hành động của Trung Quốc không hề tương thích với nhau, những nội dung tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông đa phần là sai trái.

Vì lẽ đó, Trung Quốc sẽ còn khiến cho Mỹ và đồng minh, cũng như các nước có quyền lợi trực tiếp trên Biển Đông trong đó có Việt Nam phải đau đầu, tìm cách đối phó bằng nhiều phương cách khác nhau. Quá trình tìm phương án hòa giải, hòa bình trên Biển Đông ít nhiều khiến cho môi trường chính trị liên quan đến khu vực Biển Đông cũng khó mà tốt đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông: Quan chức Úc nói gì?

    05:00, 22/12/2020

  • Tổ chức tập trận ở Biển Đông: Mỹ gửi thông điệp gì tới Trung Quốc?

    05:00, 15/12/2020

  • Mỹ tiếp tục kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông

    04:00, 11/12/2020

  • Chính sách của ông Biden ở Biển Đông sẽ như thế nào?

    05:00, 09/12/2020

  • Trung Quốc xây làng và đưa chiến lược Biển Đông đến Himalaya

    05:00, 30/11/2020

  • Biển Đông - "phép thử" chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia

    14:04, 16/11/2020

  • Dù Biển Đông có dậy sóng!

    06:00, 15/11/2020

  • Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc, Philippines “đồng sàng dị mộng”

    06:00, 30/09/2020

  • Gác tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc: Philippines đang bị "dắt mũi"?

    14:31, 29/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Lan toả sức mạnh chính nghĩa!

    05:01, 23/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Biển Đông sẽ như thế nào trong năm 2021?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO