Vừa qua, bộ phận tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh Bình Định chính thức ra mắt và hoạt động.
Ðây là điểm nhấn trong thực hiện Ðề án 939 - năm 2020 và được xem là giải pháp thiết thực, bước tiến mới trong công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Thiết thực nhất trong số 7 nhiệm vụ của Bộ phận tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế (gọi tắt là Bộ phận HTPNKN) có lẽ là hoạt động bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Tại 52 Mai Xuân Thưởng, TP Quy Nhơn, “siêu thị nhà Hội” (Hội phụ nữ) vừa được khai trương, là nơi trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ trong tỉnh.
Quy tụ sản phẩm phụ nữ làm từ 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó có nhiều mặt hàng quen thuộc của những cơ sở, HTX nữ uy tín, tin rằng các bà nội trợ sẽ hài lòng khi đến với “phiên chợ” mới toanh, mở cửa mỗi ngày mà tổ chức mình vừa tâm huyết thành lập và quản lý. Đặc biệt, thực hiện phương châm “vì một nền nông nghiệp xanh” và tiêu chí “sạch từ trang trại đến bàn ăn”, sản phẩm tại đây được đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP...
3 năm qua từ khi triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), tại các kỳ ngày hội, phiên chợ xanh giới thiệu sản phẩm, dẫu cấp tỉnh hay xã, sản phẩm phụ nữ làm luôn “cháy” hàng, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Điều này phần nào cho thấy sự tín nhiệm của người tiêu dùng với sản phẩm do chị em làm ra. Lần khai trương này cũng vậy, tuy biết mở cửa hàng ngày, duy trì lâu dài, nhưng trước những sản phẩm tươi, bắt mắt, được Hội “bảo tín” về chất lượng, độ an toàn, nhiều bà nội trợ đã thích thú mua hơn nhu cầu. Chị Trần Thị Ngọc Linh ở phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi vẫn thường chờ đợi, mua sắm khi Quy Nhơn hàng năm vài lần tổ chức ngày hội giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ, vì cảm giác an toàn, yêu mến, muốn ủng hộ. Do đó khi biết có gian hàng, bản thân rất vui và đây sẽ là địa chỉ tin dùng cho bữa ăn gia đình tôi. Tin là nếu các sản phẩm đảm bảo được chất lượng, giá cả phù hợp sẽ “lấy lòng” được khách hàng gần xa”.
Có thể thấy, với việc thành lập Bộ phận HTPNKN, công tác này trong thời gian tới được xác định chú trọng, đi vào chiều sâu gắn với các giải pháp thiết thực.
Bộ phận là kênh thông tin, tiếp nhận, phản hồi, tập huấn, tư vấn chuyên môn về khởi nghiệp, khởi sự sản xuất, kinh doanh ở phụ nữ và kết nối, hỗ trợ thành lập mới DN/HTX/tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoặc có phụ nữ tham gia quản lý. Đồng thời, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp, cập nhật thông tin, chính sách về khoa học, công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn chính sách…, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ. Cùng với đó, ưu tiên thúc đẩy áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hoạt động chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, an toàn, mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị… Bên cạnh đó, thông qua tổ chức trưng bày và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, Bộ phận tích cực giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, hỗ trợ tiếp cận thị trường, kết nối, xúc tiến thương mại…
Ngoài ra, trong kế hoạch cụ thể, hàng tháng Bộ phận sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về cách thức bán hàng, kêu gọi vốn, đăng ký nhãn hiệu, thay đổi mẫu mã bao bì để thân thiện với môi trường… Mặt khác, chú trọng mở rộng kênh phân phối, trao đổi hàng hóa, trước hết là phối hợp với các cấp Hội và phụ nữ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Yên Bái…
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy, qua 3 năm đầu triển khai Đề án 939 gắn với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, bên cạnh hiệu quả kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, một thành quả lớn khác là hưởng ứng của chị em trong thực hiện sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. “Dự kiến từ năm 2021, phụ nữ khởi nghiệp các mặt hàng nông sản, thực phẩm sẽ đảm bảo sản xuất, chế biến chất lượng, an toàn, đủ để tổ chức hằng tháng phiên chợ nông sản sạch, không dùng bất kỳ sản phẩm nào từ nhựa dùng 1 lần, khó nhưng tất cả rất quyết tâm. “Sân chơi” này hiện thực mong ước 3 năm qua, là giải pháp tạo cú hích cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp, Hội cùng chị em đã cùng “hứa” sát cánh, đồng hành”, bà Thủy khẳng định.
Qua 3 năm thực hiện Ðề án 939 (2018 - 2020), các cấp Hội đã xúc tiến thành lập 7 HTX, trong đó 4 HTX do nữ làm chủ; thành lập 11 mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; 535 chị được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và trên 70.261 chị được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp.