Bình Dương đang tập trung tăng tốc chuyển đổi số (CĐS), xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số; Đồng thời, đảm bảo hạ tầng cho việc triển khai đô thị thông minh.
>>> Bình Dương chính thức vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, năm 2021, Bình Dương đạt 87,87/100 điểm, đứng hạng 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, dẫn đầu các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ về Chỉ số CCHC. Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 8,78/10 điểm. Nhiều điểm số thành phần của Bình Dương cũng đã tăng điểm so với năm 2020.
Theo công bố kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, Bình Dương đạt 47,178/80 điểm (năm 2020 là 40.762/80 điểm) xếp trong nhóm điểm cao nhất. Nếu tính theo điểm số từ cao xuống thấp, Bình Dương đứng thứ 2/63 tỉnh, thành (năm 2020 đứng thứ 57/63).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cổng Dịch vụ công tỉnh đã triển khai được 1.159 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 cấp tỉnh, huyện, xã (trong tổng số 1.913 thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh).Trong đó, có 1.015 DVCTT mức độ 4, 144 DVCTT mức độ 3; 100% DVCTT đã được xây dựng mẫu điện tử Eform. Tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 được triển khai trên Cổng DVCTT đạt 60,58% trên tổng số TTHC của tỉnh. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Hành chính công đạt 98,97%, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết mức độ 3 và 4 tăng 77,46% so với cùng kỳ năm 2021. Cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.266 TTHC.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, mức độ phát triển CQĐT của tỉnh hoàn thiện 04/04 mức độ phát triển so với mô hình hướng dẫn của Chính phủ và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn hình thành Chính quyền số.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh đã được đầu tư hoàn thiện, hiện tại đã phủ được tới cấp xã. Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư với mô hình Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng đáp ứng nhu cầu triển khai các dữ liệu ứng dụng dùng chung cho chính quyền, đồng thời đảm bảo hạ tầng cho việc triển khai đô thị thông minh của tỉnh.
Hệ thống một cửa, Cổng Dịch vụ công của Bình Dương đang thực hiện quá trình hợp nhất, triển khai số hóa dữ liệu giải quyết TTHC theo các yêu cầu của Chính phủ tại Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ. Đối với các dịch vụ đô thị thông minh, ưu tiên phát triển các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, phát triển y tế, phát triển giáo dục, quản lý trật tự xây dựng. Từ 19/4/2022, tỉnh đã triển khai vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (Trung tâm IOC).
Về CĐS, đến nay đã có 18/19 sở, ban, ngành và 08/09 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo CĐS; 14/19 sở, ban, ngành và 06/09 địa phương ban hành kế hoạch CĐS năm 2022. Bình Dương cũng đã hoàn thành cung cấp số liệu để đánh giá mức độ CĐS của Bộ, ngành, địa phương, Quốc gia (Chỉ số DTI) theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông...
Để giải quyết "bài toán" về liên thông dữ liệu giữa các ngành, các địa phương cũng như đưa các ứng dụng CĐS đi vào đời sống của người dân, theo ông Đặng Văn Nhiên - Giám đốc Viettel Bình Dương, hiện nay đã có Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh, tuy nhiên chưa có sự liên thông từ huyện đến tỉnh, người dân cũng chưa biết hết những giá trị CĐS mang lại như những tiện ích về Y tế, Giáo dục…
Ông Nhiên cho rằng, trên cơ sở nhu cầu của người dân, nhiệm vụ của các ngành, cần lựa chọn những việc trọng tâm, trao đổi với các nhà mạng thống nhất hệ thống dữ liệu, từ đó xây dựng các nguồn vốn, thủ tục đi kèm, kế hoạch cụ thể. Trong năm nay, Viettel sẽ triển khai gói cước 5G. Hiện Bình Dương có 83% người dân sử dụng điện thoại thông minh, đây là lợi thế rất tốt để triển khai CĐS; đáp ứng nhu cầu không toán tiền mặt trong giao dịch.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, Cục thuế tỉnh đã triển khai thực hiện việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử với tỷ lệ thực hiện đạt trên 99%. Đặc biệt ngành Thuế triển khai ứng dụng nộp thuế điện tử trên điện thoại. Nếu người dân còn những vướng mắc, thắc mắc có thể trao đổi trực tiếp với cơ quan Thuế sẽ có hướng dẫn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, năm 2021 Bình Dương được Vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới. Đây là một vinh dự đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về công tác CCHC, CĐS, CQĐT phải thực chất hơn, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Người dân, doanh nghiệp phải được thụ hưởng thực chất từ những kết quả cải cách. Người đứng đầu phải luôn đổi mới, chủ động, đặt ra yêu cầu cho nhà mạng, nhà khoa học, chú trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu, các cấp, các ngành nhanh chóng rà soát bộ TTHC, chuẩn hóa quy trình xử lý, bổ sung hoặc cắt giảm, thống nhất quy trình từ cơ sở tới tỉnh tới Trung ương, từ tháng 9/2022 sẽ không tiếp nhận hồ sơ giấy; hướng tới thực hiện 3 không: Không dùng tiền mặt, không nhận hồ sơ giấy, không cần đến Trung tâm Hành chính công. Đồng thời, hoàn chỉnh cơ bản cơ sở dữ liệu của từng ngành, từng lĩnh vực; liên thông dữ liệu giữa các ngành, các địa phương cho đến xã, phường phải thông suốt.
Có thể bạn quan tâm
Bình Dương chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
14:55, 03/08/2022
Bình Dương: Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước để phát triển bền vững!
16:51, 16/06/2022
Bình Dương đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI năm 2021
13:10, 27/04/2022
Chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để Bình Dương phát triển bền vững
20:00, 19/04/2022
Bình Dương chính thức vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh
12:01, 19/04/2022