Với các giải pháp đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư giao thông kết nối và hạ tầng các khu công nghiệp, Bình Dương đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Tỉnh Bình Dương tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón đầu làn sóng đầu tư FDI thế hệ mới.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, giai đoạn 2019-2024 đánh dấu một chặng đường phát triển ấn tượng của Bình Dương trong thu hút FDI, với tổng vốn FDI đạt hơn 14,3 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới chiếm 6,8 tỷ USD. Nguồn vốn FDI đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của Bình Dương.
Để củng cố "thương hiệu" Bình Dương trong thu hút vốn FDI, tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến đáng kể trong cơ cấu ngành nghề và nguồn gốc đối tác đầu tư, góp phần định hình một chiến lược phát triển kinh tế cân bằng và bền vững hơn.
Từ năm 2021, tỉnh đã chuyển hướng mạnh mẽ sang việc ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và logistics. Những lĩnh vực này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đồng thời gia tăng giá trị sản xuất và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhiều nhà đầu tư với các dự án lớn đã được triển khai tại Bình Dương, như: Nhà máy Lego trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam của Đan Mạch ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao và các dự án logistics phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bình Dương không chỉ thu hút các dự án mới mà còn khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu tăng vốn để mở rộng quy mô sản xuất và cải tiến công nghệ. Các quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) tiếp tục là những đối tác chiến lược, duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản. Đặc biệt, Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào sản xuất mà còn mở rộng sang các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), góp phần nâng cao năng lực công nghệ cho tỉnh.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai các giải pháp đột phá để đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Tỉnh luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách và tăng cường kết nối quốc tế.
Năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Đó là kết quả từ chiến lược phát triển các khu công nghiệp xanh, công nghiệp thế hệ mới, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo.
Năm 2025 là năm đặc biệt của Bình Dương khi tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số; tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, hướng tới thu hút các dự án đầu tư mang tính chiến lược, đặc biệt tập trung vào các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo.
Đầu năm 2025, UBND tỉnh Bình Dương đã trao chứng nhận đầu tư cho 07 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Bình Dương đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư như: Dự án Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper tăng thêm 50 triệu USD; dự án Công ty TNHH Deneast Việt Nam tại VSIP IIA tăng thêm 40,2 triệu USD; dự án Công ty TNHH Dongil Rubber Belt Việt Nam đầu tư thêm 15 triệu USD...
Để tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, thiết kế lại không gian phát triển, thu hút đầu tư chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và số hóa quy trình cấp phép đầu tư, đăng ký doanh nghiệp… giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo ông Võ Văn Minh, hiện nay, Bình Dương đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới để thúc đẩy phát triển. Chính sách kêu gọi đầu tư của Bình Dương đã có sự chuyển hướng sang thu hút đầu tư có chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên kinh tế số, kinh tế xanh nhằm tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.
"Với cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước" – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh khẳng định.
Bình Dương hiện có 4.399 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42,4 tỷ USD.