Hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương trong 9 tháng năm 2024 đạt nhiều tín hiệu tích cực. Ngành Công Thương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình kinh tế thế giới 9 tháng năm 2024 đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Đây là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và là nền tảng cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2024 của tỉnh.
Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2024 của Bình Dương có nhiều thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã từng bước được khôi phục, môi trường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng được cải thiện, các hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng gia tăng.
Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm 2024 xuất siêu 7.623,5 triệu USD, trong đó: khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 2.070,3 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 5.553,1 triệu USD.
Trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 đạt 26.002,6 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; trong đó: khu vực kinh tế trong nước 4.894,8 triệu USD, tăng 15,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 21.107,8 triệu USD, tăng 15,3%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm nhiều nhất của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu đạt 11.801,2 triệu USD, chiếm 45,4% kim ngạch xuất khẩu và tăng 11,8% so với cùng kỳ; EU đạt 3.550 triệu USD, tương ứng chiếm 13,7% và tăng 18,7%; Nhật Bản đạt 1.863,2 triệu USD, chiếm 7,2% và tăng 10,3%; Trung Quốc đạt 1.241 triệu USD, chiếm 4,8% và tăng 16,9%; Hàn Quốc ước đạt 1.002 triệu USD, chiếm 3,9% và tăng 14,6%; Thái Lan đạt 649,4 triệu USD, chiếm 2,5% và tăng 16,1%; Đài Loan đạt 305,5 triệu USD, chiếm 1,2% và tăng 9%; Hồng Kông đạt 383,9 triệu USD, chiếm 1,5% và tăng 13,8%.
Khảo sát thực tế tại doanh nghiệp cho thấy, đơn đặt hàng xuất khẩu đã nhiều lên, giá trị đơn hàng cũng tăng so với các năm. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu tích cực, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã dần phục hồi và đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý I/2025. Các doanh nghiệp đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tuyển thêm lao động để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất 3 tháng cuối năm và trước Tết Nguyên đán 2025.
Để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các chính sách về thuế; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp như: cơ khí, thép, vật liệu xây dựng…, triển khai các giải pháp hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hiện nay, ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ vẫn đang đứng đầu cả tỉnh về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực. Các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đã phát triển thương mại điện tử, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng ở những nước tiên tiến phát triển mới.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 đạt 4.896,2 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,8% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc…
Hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 đạt 2.341,9 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc... Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, vào những tháng cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt may tăng mạnh do có nhiều lễ hội, là cơ hội để ngành dệt may gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương Bình Dương, trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển sản xuất và hoạt động xuất khẩu hàng hóa, ngành Công Thương sẽ định kỳ tổ chức làm việc với các hiệp hội ngành hàng để nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, những tháng còn lại của năm 2024, ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực; cũng như tăng cường công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường các nước có lợi thế từ cam kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”.
Cụ thể, ngành Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ tích cực thúc đẩy xuất khẩu như: tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; tổ chức các hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ… và thị trường của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Song song đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu; triển khai các quy định về rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, sở hữu trí tuệ, cam kết đáp ứng hạn chế khí thải carbon… tại các thị trường xuất khẩu đến các doanh nghiệp.