Bình Phước bứt phá chuyển đổi số

THÙY LINH thực hiện 17/06/2023 16:44

Bình Phước xác định chuyển đổi số là “động lực”, là nhiệm vụ xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm. 

Đó là chia sẻ của bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước với DĐDN.

>>Bình Phước tập trung đẩy mạnh đầu tư công, kích hoạt thị trường bất động sản tăng nhiệt

- Thưa bà, Bình Phước đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Vậy, đâu là điểm nhấn trong chuyển đổi số của Bình Phước?

Bình Phước đã xác định chuyển đổi số là cơ hội lớn giúp tỉnh tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, phát huy vai trò, thế mạnh là một trung tâm vùng, cực tăng trưởng của khu vực phía Nam.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 về chuyển đổi số, Bình Phước đã “cất cánh” ngoạn mục trên bảng xếp hạng chuyển đổi số của cả nước. Không chỉ đạt được vị trí ấn tượng thứ 9 cả nước mà quan trọng hơn hết Bình Phước hướng tới một mục tiêu chung phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Điều này có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh; phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Thực tế, quá trình chuyển đổi số của Bình Phước đang được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì và liên tục trên cơ sở vận dụng hiệu quả yếu tố nhân lực, hạ tầng CNTT và phương pháp triển khai với những bước đi vững chắc, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được từ nghị quyết xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính.

>>Bình Phước: 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Cổng dịch vụ công - giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các TTHC cũng là một dấu ấn đáng ghi nhận của Bình Phước. TTHC rút gọn đã từng bước tháo gỡ rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách. Hằng năm có gần 1.000 TTHC được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Ước tính thời gian cắt giảm TTHC trung bình trên 30%, tiết kiệm chi phí xã hội hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Trong thời gian qua, Bình Phước luôn duy trì trong nhóm dẫn đầu về số lượng dịch vụ công (DVC) trực tuyến tích hợp, đồng bộ với Cổng DVC quốc gia (hiện đang đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố). Hệ thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.464 DVC toàn trình và 319 DVC một phần. Đã được tích hợp công khai trên Cổng DVC quốc gia 1442 DVC, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Bình Phước đã nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích để đảm bảo khai thác dữ liệu nhanh chóng; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 3 cấp và kết nối với Trung ương; 100% xã, thôn, ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; hệ thống thông tin nguồn, trong đó điển hình là “bộ não số” IOC, trung tâm phục hành chính công các cấp... Đây là nền tảng để từng bước hình thành phong cách lãnh đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Hiện, Bình Phước đã hình thành cơ bản nền tảng cơ sở hạ tầng CNTT, định hình phát triển 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Phó Tổng Giám đốc Viettel phụ trách khu vực miền Nam và các đồng chí lãnh đạo sở ngành, thị xã Bình Long bấm nút khai trương IOC Bình Long

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Phó Tổng Giám đốc Viettel phụ trách khu vực miền Nam và các đồng chí lãnh đạo sở ngành, thị xã Bình Long bấm nút khai trương IOC Bình Long

- Trong phát triển kinh tế số, Bình Phước đã đạt được kết quả ra sao, thưa bà?

Trong 3 trụ cột nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số. Các hội nghị, hội thảo tập huấn, tuyên truyền về nền tảng số, tiện ích số, thương mại điện tử liên tục được tỉnh tổ chức phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh. Từ đó, 54.537 tổ chức, cá nhân đã có tài khoản mua bán hàng trên sàn “postmart.vn”, “voso.vn” với 1.182 sản phẩm được đăng ký bán; 215 đơn vị tham gia sàn “ecombinhphuoc.gov.vn” với 370 sản phẩm đăng ký bán… Đến nay, kinh tế số của Bình Phước vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành.

Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP 8%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 60%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã và đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

>>Bình Phước: 3 chương trình đột phá thu hút đầu tư

- Nguồn nhân lực là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số. Ở Bình Phước vấn đề này được tỉnh triển khai như thế nào, thưa bà?

Từ thực tế triển khai cho thấy, con người là yếu tố quyết định cho quá trình nguồn nhân lực và việc chuẩn bị nhân tố con người để sẵn sàng cho quá trình này cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số mà tỉnh đang thực hiện, xây dựng nguồn “nhân lực số” và “công dân số” đáp ứng yêu cầu của việc quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả các nền tảng số của tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực CNTT tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức nhà nước; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình nguồn nhân lực của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nguồn nhân lực trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Cùng với đó, tỉnh đang phối hợp, kết nối, ký kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học chuyên về viễn thông, CNTT nhằm tăng cường hỗ trợ, hợp tác với tỉnh về đào tạo, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước tập trung đẩy mạnh đầu tư công, kích hoạt thị trường bất động sản tăng nhiệt

    Bình Phước tập trung đẩy mạnh đầu tư công, kích hoạt thị trường bất động sản tăng nhiệt

    10:07, 30/05/2023

  • Bình Phước bứt phá chuyển đổi số

    Bình Phước bứt phá chuyển đổi số

    18:50, 05/11/2022

  • Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước

    17:22, 01/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Phước bứt phá chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO