Bình Phước định hướng phát triển du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, mang bản sắc địa phương vào làm du lịch.
Bình Phước hiện đang sở hữu 45 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 12 di tích quốc gia) cùng cộng đồng gần một triệu dân thuộc 41 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp. Bởi thế, tỉnh có nền văn hóa giao thoa, hội tụ và đa dạng với sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc nhiều vùng miền.
Bình Phước được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử và dấu mốc quan trọng với những chiến công vang dội trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước... Tỉnh còn sở hữu 512 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 379 Mã Đà (huyện Đồng Phú) có quần thể 162 “Cây Di sản” Việt Nam, với 15 loài, trong đó có 130 cây kơ-nia có tuổi đời trên 500 năm tuổi-hứa hẹn là một điểm du lịch thu hút du khách đam mê về lịch sử và thiên nhiên… Đây chính là lợi thế lớn và riêng có của tỉnh Bình Phước.
Để đưa ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” trên địa bàn. Kế hoạch nhằm mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ và đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững.
Bình Phước xác định tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng 5 khu du lịch có quy mô lớn, tạo dựng thương hiệu nổi bật, có sức lan tỏa, gồm các dự án: Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú); Khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng); Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long); Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh); và sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng xã Minh Thắng (thị xã Chơn Thành).
Đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, xúc tiến quảng bá du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Bình Phước phấn đấu năm 2025 đón 1,7 triệu lượt du khách (trong đó khách quốc tế khoảng 4%), doanh thu từ du lịch đạt 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động…
Bình Phước đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, lấy sự hài lòng của du khách và phúc lợi cho người dân làm mục tiêu phát triển du lịch bền vững.