Những kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp chính là cơ sở để Bình Phước vững tin đặt mục tiêu tái cơ cấu kinh tế đồng bộ cho năm 2019.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cả năm 2018 ước tăng 7,2%, vượt mục tiêu kế hoạch cả năm (6,8-7%), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,93%; khu vực dịch vụ tăng 6,45%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5,16%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,25% so với năm 2017.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, năm 2019, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ, kiến tạo phát triển, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, tỉnh quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước gắn với công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cán bộ nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 999 của Tỉnh ủy; xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng đô thị thông minh từng phần. |
Nhiều gam màu sáng trong phát triển kinh tế
Theo ông Nguyễn Văn Trăm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh đạt được khá toàn diện trên các mặt. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành 20/22 chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch. 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là chi ngân sách đạt 94%, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 75%.
Vượt qua giai đoạn khó khăn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước thực hiện cả năm 2018 đạt 23.362 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2017, bằng 101,1% kế hoạch năm. Đặc biệt, mối liên kết giữa DN với nông dân, giữa nông dân với nông dân, hợp tác xã và tổ hợp tác ngày càng được mở rộng, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng nông sản góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất.
Công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,4% so với năm 2017, đạt 114,4% kế hoạch năm, trong đó ngành chế biến, chế tạo là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành, tăng 12,83%. Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú.
Tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa của tỉnh tăng trưởng 15,12% so với năm 2017, đạt 100% kế hoạch năm. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định, kim ngạch thực hiện ước đạt 2.240 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm. Nhập khẩu ước đạt 1.415 triệu USD, bằng 102,54% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 7.658 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2017 và đạt 109% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9.726 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện đầu tư công tính hết 10 tháng năm 2018 đạt xấp xỉ 1.346 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 59% kế hoạch, ước thực hiện cả năm sẽ đạt tỷ lệ 96%.
Nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong năm 2018, song song với việc thực hiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Bình Phước đã tăng cường đối thoại để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua những giải pháp cụ thể, thiết thực theo đúng tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đây là động lực giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, đã có 9 cuộc họp tiếp doanh nghiệp được tổ chức tại Trung tâm hành chính công và 7 cuộc họp về thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó đã giải quyết tháo gỡ khó khăn cho 19/30 trường hợp, còn 11 trường hợp đang tiếp tục xem xét giải quyết. Đồng thời, tỉnh cũng quyết liệt tập trung phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư. Tính đến cuối năm 2018, đã có 10/13 khu công nghiệp của tỉnh đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp thuê lại gần 80% diện tích. Tỉnh đang tiếp tục đôn đốc tiến độ đầu tư hạ tầng, nhất là đối với 3 khu công nghiệp: Becamex – Bình Phước, Minh Hưng – Sikico, Đồng Xoài III…
Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2018 được đánh giá rất khả quan với 184 dự án đầu tư trong nước mới, tổng vốn đăng ký 5.906 tỷ đồng, tăng 17,9% số dự án so với năm 2017. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 32 dự án với số vốn đăng ký 400 triệu USD, tăng 45% về số dự án và tăng 270% về số vốn đăng ký. Lũy kế đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 191 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỷ USD; 1.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 13.800 tỷ đồng, tăng 12% về số doanh nghiệp và tăng 30,9% về số vốn đăng ký so với năm 2017 và đạt 111% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh vẫn có tới 240 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tuy đã có nhiều cải thiện nhưng chưa thật sự thông thoáng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tiếp cận đất đai, khoáng sản còn rườm rà, phức tạp; công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế...
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực mà tỉnh đang triển khai, Bình Phước đặt kỳ vọng những chuyển biến sẽ được thể hiện rõ hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Trong đó, tỉnh đã thực hiện kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản ngang, dọc 4 cấp qua trục LGSP, một cửa điện tử tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, đến huyện, xã/phường, thị trấn (đến nay đã thực hiện tại 3 thị xã và 02 huyện). Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về xây dựng Chính quyền điện tử, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Phước năm 2018 và phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước. Dự kiến đến hết năm 2019, Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Tín hiệu đáng mừng là Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh Bình Phước đã tăng 24 bậc so với năm 2016, vươn lên đứng thứ 33/63 tỉnh, thành.
Mục tiêu cao nhất mà Bình Phước đặt ra trong năm 2019 là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, Bình Phước xây dựng một số chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2019 như sau: tăng trưởng GDP của tỉnh 7,3-7,5% so với năm 2018; thu ngân sách 7.500 tỷ đồng, bằng 98% so với năm 2018; tổng chi ngân sách 10.193 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2018; thu hút 35 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng vốn đăng ký 210 triệu USD; 180 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.400 tỷ đồng; có thêm 1.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20%; 28 hợp tác xã thành lập mới, tăng 12%. |