“Cú hích” kinh tế tư nhân Bình Phước

THÙY LINH 01/06/2024 15:18

KTTN đã trở thành động lực quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước

Cùng với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển.

  Đoàn công tác Ban Kinh tế TƯ và Lãnh đạo tỉnh Bình Phước thăm vườn cây cao su của Công ty Cổ phần Cao su Sông Bé.

Đoàn công tác Ban Kinh tế TƯ và Lãnh đạo tỉnh Bình Phước thăm vườn cây cao su của Công ty Cổ phần Cao su Sông Bé.

Kinh tế tư nhân đóng vai trò trụ cột

Để tạo đà cho KTTN phát triển, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành các nghị quyết về kinh tế, gồm: Nghị quyết số 10 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Triển khai các nghị quyết của Trung ương, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường, triển khai hiệu quả các chính sách, khuyến khích, hỗ trợ để phát huy thế mạnh và tiềm năng KTTN trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, Bình Phước đã thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Khởi nghiệp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, triển khai các dự án đầu tư kinh doanh, mang lại hiệu quả, tạo hiệu ứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để phát triển mạnh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa từ các quỹ khuyến công, quỹ phát triển khoa học - công nghệ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khởi nghiệp được thực thi đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Để đảm bảo KTTN đóng vai trò trụ cột, hoạt động theo cơ chế thị trường, hàng năm, tỉnh Bình Phước đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục pháp lý về đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, quy trình thủ tục về đầu tư, đấu thầu, công tác tài chính, kế toán và kỹ năng quản trị doanh nghiệp…

Tiếp tục đồng hành với kinh tế tư nhân

Cùng với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Bình Phước còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đáng chú ý là việc tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu với các đối tác, địa phương trong khu vực. Mới đây, Bình Phước đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội với các đối tác đến từ châu Âu.

Đối với hạ tầng giao thông, đến nay Bình Phước cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông nội tỉnh, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa 100%. Tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành trong khu vực hoàn thiện một số dự án trọng điểm kết nối vùng, như: cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường Đồng Phú - Bình Dương; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp, thủy lợi… nhằm tạo đà cho KTTN phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 11.958 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 200.668 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh Bình Phước đạt trên 77% năm 2022 và phấn đấu đạt 80% vào năm 2025. Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh ở mức khá. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 94 triệu đồng/người/năm.

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương, bà Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp..., tạo thuận lợi cho KTTN phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước: Khơi thông nguồn lực, sẵn sàng đón nhà đầu tư

    Bình Phước: Khơi thông nguồn lực, sẵn sàng đón nhà đầu tư

    01:35, 04/05/2024

  • Bình Phước chủ động  “trải thảm” đón nhà đầu tư

    Bình Phước chủ động “trải thảm” đón nhà đầu tư

    08:54, 23/03/2024

  • Bình Phước: Kiến tạo chính quyền phục vụ

    Bình Phước: Kiến tạo chính quyền phục vụ

    08:55, 12/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cú hích” kinh tế tư nhân Bình Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO