Bình Phước: Tăng tốc các dự án giao thông trọng điểm

THÙY LINH 27/07/2023 17:11

Với phương châm giao thông “đi trước một bước”, tỉnh Bình Phước đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trong đó đẩy mạnh xây dựng các tuyến giao thông kết nối.

Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng cũng đang được tỉnh ưu tiên đầu tư, đặc biệt là những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn.

 Thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Hạ tầng giao thông đồng bộ

Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, khu vực.

Hiện hệ thống giao thông Bình Phước có 03 tuyến Quốc lộ, 15 tuyến đường tỉnh, 135 tuyến đường huyện, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuyến đường tuần tra biên giới; tỷ lệ nhựa hóa chung đạt khoảng 64,17%.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”, ưu tiên phát triển giao thông đối ngoại, kết nối vùng và các cảng biển, sân bay, trung tâm kinh tế lớn trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Phước đặt rõ mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo từng giai đoạn, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn, trước mắt tập trung, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm: Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn ĐăkNông – Chơn Thành; Tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương kết nối với tuyến đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Vành đai 4; Tuyến đường phía Tây QL.13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư và kết nối với đường trục chính KCN Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn.

Bên cạnh đó, Bình Phước hiện đang triển khai nâng cấp mở rộng nhiều tuyến giao thông kết nối liên vùng như: Quốc lộ 13 đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; nâng cấp, mở rộng ĐT.741 đoạn Bầu Trư – Phước Long; xây dựng đường giao thông phía Tây Quốc lộ 13, kết nối huyện Chơn Thành - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; nâng cấp, mở rộng ĐT.756, ĐT.751; xây dựng đường Đồng Phú– Bình Dương…; quốc lộ 14 đoạn TP.Đồng Xoài - thị xã Chơn Thành, H.Đồng Phú - TX.Chơn Thành, tuyến đường Minh Lập (TX.Chơn Thành) - Bù Nho (H.Phú Riềng)…

Đồng bộ giải pháp

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Phước cho biết, việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thu hút, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Để các dự án sớm được triển khai, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành lân cận trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Bình Phước cũng đang thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, góp phần giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đồng thời, tỉnh đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; ưu tiên bố trí các nguồn ngâ sách tỉnh để đầu tư hạ tầng giao thông theo thứ tự ưu tiên…

Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật hệ thống giao thông, các phương án tuyến quan trọng vào Quy hoạch tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với quy hoạch các đô thị, nông thôn và các lĩnh vực khác, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử….

Sau khi hoàn thành các dự án này, cùng với các tuyến giao thông huyết mạch hiện nay, Bình Phước thuận lợi kết nối vùng, liên vùng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Bình Phước thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt “Đề án phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng và nội tỉnh”. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu, ưu tiên hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh, đặc biệt là các trục giao thông kết nối giữa 3 trung tâm để tạo động lực phát triển gồm: Thành phố Đồng Xoài - huyện Chơn Thành - huyện Đồng Phú; ba vùng đô thị có sức lan tỏa của tỉnh gồm: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long và các trung tâm kinh tế khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước: 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

    Bình Phước: 10 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

    13:30, 08/12/2022

  • Bình Phước đồng bộ giải pháp  cải thiện môi trường đầu tư

    Bình Phước đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

    12:47, 03/12/2022

  • Bình Phước phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại

    Bình Phước phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại

    13:13, 01/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Phước: Tăng tốc các dự án giao thông trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO