Sự bùng phát của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu thanh long tỉnh Bình Thuận bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng…
>>Bình Thuận: “Nóng” giải pháp xử lý tro, xỉ than tại nhiệt điện Vĩnh Tân
Theo đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thanh long đang gặp phải, Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận vừa có đơn “kêu cứu” gửi tới UBND tỉnh này.
Cụ thể, theo phản ánh của nhiều hội viên doanh nghiệp Hiệp hội thanh long Bình Thuận, sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư cùng các đợt giãn cách xã hội liên tục khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng.
Thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Chi phí vận chuyển và chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng cao, lao động mất việc làm, dòng tiền bị đứt gãy, doanh thu không đủ chi, không có nguồn trả lãi vay. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh, do hạn chế về tiềm lực tài chính, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, những năm gần đây, phía Trung Quốc thất thường thay đổi chính sách, quy định liên tục, không nhất quán về các điều kiện quản lý kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu thông quan hàng hóa (trong đó có mặt hàng thanh long) ở mỗi cửa khẩu biên giới khác nhau nhiều. Lúc thì đóng cửa khẩu, lúc thì tạm dừng, lúc cho mở cửa khẩu... làm ùn tắc việc giao nhận, tình trạng tồn động, ùn ứ thanh long, phương tiện, hàng hư hỏng tại các cửa khẩu biên giới làm thiệt hại và thua lỗ.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đồng hành với doanh nghiệp, Hiệp hội thanh long Bình Thuận đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đàm phán, trao đổi với các cơ quan chức năng Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước. Đưa ra chính sách, quy định nhất quán xuất khẩu tiểu ngạch tại tất cả các cửa khẩu phía Bắc có tính lâu dài và ổn định.
>>Đầu tư 1.200 tỷ đồng vào KCN, Bình Thuận có thay da đổi thịt?
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị, đề xuất với các đơn vị liên quan cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xuất khẩu thanh long trên địa bàn như: miễn giảm tiền thuế, tiền điện; giảm và hỗ trợ lãi suất cho vay; chính sách khoanh nợ, giãn nợ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19;…
Bên cạnh đó, Hiệp hội thanh long Bình Thuận kiến nghị Sở Công thương và Sở NN-PTNT tỉnh trao đổi với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương có kế hoạch triển khai tập huấn, phổ biến hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tỉnh về Lệnh số 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Trung Quốc” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận cần phối hợp với Bộ Công Thương có kế hoạch xúc tiến tổ chức giao thương trực tiếp tầm quốc gia đến các thị trường: Iran, UAE, Arab Saudi, Pakistan, Nhật Bản... mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thanh long, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 33.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 700.000 tấn, địa phương đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, hơn 80% sản lượng trái thanh long tươi của tỉnh chủ yếu được xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số còn lại được tiêu thụ trong nước và một phần rất nhỏ được xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường khó tính khác.
Có thể bạn quan tâm