Trong 6 tháng cuối năm, Bình Thuận tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, đặc biệt là 3 trụ cột, gồm: công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.
>>Bình thuận: Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đó là nội dung tại kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngày 11/2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Thuận.
GRDP tăng và xếp thứ 11/63 địa phương
Theo đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, kỳ họp thứ 15 này HĐND sẽ thảo luận, thông qua những nghị quyết nhằm phát triển kinh tế kinh tế - xã hội của tỉnh và hoạt động của HĐND tỉnh.
Nhấn mạnh tại kỳ họp, ông Nguyễn Hoài Anh đề nghị đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nhân dân, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, tính hiệu quả của từng nội dung trước khi quyết định, đảm bảo các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đúng luật, sớm đi vào cuộc sống…
Báo cáo tại kỳ họp, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và phương phướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Cụ thể, theo báo cáo, kinh tế tỉnh Bình Thuận tăng trưởng khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Quý I/2023, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 9,86% (xếp thứ 2/63 địa phương).
Riêng 6 tháng đầu năm 2023 GRDP tăng 7,76% (xếp thứ 11/63 địa phương), trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng 13,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông lâm thủy sản (nông lâm thủy sản chiếm 26,84%; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 73,16%).
Tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, số lượng gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm 2022. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện tốt.
Thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng, có 10/16 khoản thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn 50% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 5.231 tỷ đồng, đạt 52,28% dự toán năm.
Bên cạnh những mặt tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, Bình Thuận vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo ông Đăng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Bên cạnh đó việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn.
“Vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân ở một vài địa phương đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, làm ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng của cả nước”, ông Đăng nêu.
Đối với công tác quản lý đất đai, xây dựng, ông Đăng cho biết, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, đất dự án mang tính "côn đồ, xã hội đen" và tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại một địa bàn giáp ranh với tỉnh diễn biến phức tạp; Đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có chiều hướng gia tăng. Kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn để tồn việc, chậm việc, sót việc hoặc thiếu sự phối hợp trong tham mưu, xử lý công việc; Tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được cải thiện. Triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm...
>>“Bình Thuận - Hội tụ xanh” chính thức khai mạc
Tập trung phát triển 3 nhóm ngành trụ cột
Về phương hướng niệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Đăng cho rằng, 6 tháng tới tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Cụ thể, đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 theo yêu cầu của Tỉnh ủy: "Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp" gắn với tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận.
Việc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh đưa vào khai thác, sử dụng để đẩy mạnh phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, bất động sản…
“Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm du lịch… Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh Bình Thuận như thanh long, nước mắm, hải sản chế biến... để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
Bên cạnh đó, “thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung chỉ đạo sản xuất hiệu quả vụ Hè Thu, theo dõi việc tích nước tại các hồ chứa thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023. Ngăn chặn có hiệu quả, tiến đến chấm dứt các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài...", ông Đăng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, phát biểu thảo luận tại kỳ họp, ông Lâm Hồng Tuyên - Phó Ban ngân sách HĐND tỉnh Bình Thuận cho rằng, tình hình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phát triển ổn định nhưng việc sản xuất tôm giống còn gặp khó khăn do ảnh hưởng sản lượng xuất khẩu tôm thịt giảm.
Đặc biệt là giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, tạo áp lực đối với người sản xuất nông nghiệp.
“Trong nhiều năm qua chúng ta luôn đề cập đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay vẫn chưa thấy rõ việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và khoa học - công nghệ cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận...", ông Tuyên nêu.
Theo kế hoạch, Kỳ họp - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI nhiệm kỳ 2021 – 2026, sẽ kéo dài từ 11/7-13/7/2023, với các nội dung: xem xét, quyết định 5 nội dung do Thường trực HĐND tỉnh trình, gồm chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh Bình Thuận; Xem xét, quyết định 18 nội dung do UBND tỉnh Bình Thuận trình, gồm bãi bỏ Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú, lệ phí cấp CMND trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Quy định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND); Điều chỉnh cục bộ quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2016-2025; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoàn chỉnh hệ thống kênh hồ chứa nước Sông Móng, huyện Hàm Thuận Nam…
Có thể bạn quan tâm
14:13, 04/07/2023
16:20, 17/06/2023
15:15, 17/05/2023
17:20, 26/03/2023
22:01, 25/03/2023