Sau khi Bitcoin lao dốc về mức dưới 75.000 USD/BTC, nhiều chuyên gia dự báo thị trường tiền điện tử sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh hơn trong những ngày tiếp theo.
Thị trường tiền điện tử đã chứng kiến một đợt giảm mạnh vào đầu tuần tại châu Á, phản ánh tâm lý né tránh rủi ro rõ rệt trên thị trường tài chính toàn cầu. Bitcoin (BTC), đồng tiền điện tử hàng đầu đã giảm xuống dưới mức 75.000 USD/BTC, kéo theo mức lỗ gần 20% của các đồng altcoin lớn khác.
Đến tối ngày 7/4, Bitcoin giao dịch quanh mức 76.600 USD/BTC sau khi sụt giảm về mốc 74.457 USD vài giờ trước đó. Giá Ethereum (ETH) cũng giao dịch ở ngưỡng rất thấp, chỉ 1.482 USD/ETH.
Cùng ngày, các token như XRP, Solana (SOL) và Dogecoin (DOGE) đã giảm hơn 5% trong những giờ trước khi thị trường châu Âu mở cửa, xóa sổ hàng chục tỷ USD vốn hóa thị trường. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô và tình trạng thanh lý mạnh tay lên tới gần 1 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Coinglass, khoảng 758 triệu USD các vị thế đặt cược vào sự tăng giá của tiền điện tử đã bị thanh lý trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong gần sáu tuần.
Charlie Sherry, giám đốc phân tích tài chính và tiền điện tử tại BTC Markets cho biết: “Trong một khoảnh khắc, có vẻ như tiền điện tử có thể giữ vững, nhưng với bản chất hoạt động liên tục của thị trường thì các nhà đầu tư đang chìm trong chế độ bán hoàn toàn”.
Tương tự, Giám đốc bộ phận phái sinh Châu Á - Thái Bình Dương tại công ty môi giới tài sản kỹ thuật số FalconX - Sean McNulty, cũng khẳng định thị trường quyền chọn cho thấy áp lực bán có thể tiếp tục với xu hướng nghiêng về quyền bán tăng đáng kể. Ông nói thêm rằng các mức hỗ trợ chính cho Bitcoin và Ethereum lần lượt là 75.000 USD và 1.500 USD.
Tài sản kỹ thuật số đã cho thấy khả năng chống chịu nhất định sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu công bố chương trình thuế quan của mình. Đặc biệt, đợt bán tháo vào thứ Hai đã thể hiện mối tương quan rõ nét giữa tiền điện tử và chỉ số Nasdaq 100, vốn tồn tại kể từ đại dịch Covid-19 có thể vẫn tiếp diễn.
Julia Zhou, giám đốc điều hành tại công ty tạo lập thị trường tiền điện tử Caladan bình luận tiền điện tử thường là chỉ báo hàng đầu cho các tài sản rủi ro. Dự kiến sẽ có sự điều chỉnh mạnh hơn trong những ngày tiếp theo.
Mức thuế 25% gần đây của Tổng thống Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, cùng với mức thuế đối với Trung Quốc, đã làm dấy lên những lời đe dọa trả đũa từ những quốc gia này. Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp kích thích làm tăng thêm sự lo lắng của thị trường. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư đang rời bỏ những tài sản rủi ro để tìm nơi trú ẩn an toàn như vàng và đồng yên Nhật.
Cho đến nay, thị trường tiền điện tử vẫn chưa hoạt động như mong đợi dưới thời chính quyền Trump. Các nhà đầu tư hy vọng rằng cải cách quy định và các chính sách như Dự trữ Chiến lược Bitcoin sẽ thúc đẩy giá tăng đáng kể. Nhưng thực tế lại ngược lại. Bitcoin đã giảm từ mức cao trên 100.000 USD vào đầu năm xuống mức xấp xỉ 75.000 USD/BTC ngay trong đầu tháng 4 này.
Marc Ostwald, Nhà kinh tế trưởng và Chiến lược gia toàn cầu tại ADM Investor Services International, cho biết tất cả là do khẩu vị rủi ro của thị trường đang tiếp tục xấu đi và hiện đang tạo ra sự khác biệt giữa tài sản tiền điện tử và vàng, vốn vẫn tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn được lựa chọn.
“Điều đó phần lớn là do các nhà quản lý dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương thúc đẩy, những người đang tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến USD, vốn từ lâu đã là mối lo ngại đối với họ. Khi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu trở nên phân mảnh hơn, các nhà đầu tư càng tích cực tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các tài sản rủi ro hơn, bao gồm cả đồng bạc xanh”, ông nói.
Có thể thấy, sự sụt giảm mạnh của thị trường tiền điện tử vào đầu tuần này phản ánh tâm lý né tránh rủi ro lan rộng trên các thị trường tài chính toàn cầu, chủ yếu do các chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi sát sao diễn biến để đánh giá tác động dài hạn và tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh biến động này.