Thị trường đang chuẩn bị cho một tuần đầy biến động với sự chuyển giao chính quyền tại Mỹ. Dự kiến giá sẽ tăng giảm khoảng 10% đối với các đồng tiền mã hóa lớn bao gồm Bitcoin.
Theo báo cáo từ ngân hàng đầu tư Standard Chartered, gần đây Bitcoin (BTC) cùng nhiều đồng tiền điện tử khác đã phải đối mặt với áp lực bán tháo trên diện rộng do tác động của các yếu tố vĩ mô, có nguy cơ làm gia tăng sự suy yếu của thị trường.
Nguyên nhân chính là bởi cuộc họp báo mang quan điểm cứng rắn từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào giữa tháng 12. Fed nhấn mạnh về việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, gây áp lực lớn lên các tài sản rủi ro như Bitcoin.
Standard Chartered cũng nhận định rằng các nhà đầu tư từng tăng cường sở hữu Bitcoin sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 hiện chỉ đạt mức hòa vốn. Điều này tạo ra nguy cơ bán tháo bởi tâm lý hoảng loạn từ các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức, bao gồm quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin và công ty MicroStrategy - đơn vị mua Bitcoin hàng đầu.
Geoff Kendrick, Trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số tại Standard Chartered cảnh báo: “Rủi ro về tổn thất khi định giá theo thị trường đang gia tăng” Nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới mức hỗ trợ quan trọng là 90.000 USD/BTC thì nó có thể tiếp tục giảm thêm 10% xuống vùng 80.000 USD.
Tuy nhiên đến hiện tại, các nhà giao dịch đang trở nên lạc quan hơn khi kỳ vọng Bitcoin sẽ vượt qua các mức kỷ lục trước đó, trong bối cảnh lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 đang đến gần.
Dữ liệu từ CoinDesk cho thấy, giá Bitcoin đã tăng 11% so với mức thấp dưới 90.000 USD hôm đầu tuần, còn trong vòng 24 giờ qua, nó đã tăng gần 3% và có thời điểm chạm mốc 100.000 USD. Đến chiều ngày 16/1, Bitcoin đang giao dịch quanh ngưỡng 99.000 USD/BTC.
Ông Paul Howard, Giám đốc cấp cao tại công ty tạo lập thị trường tiền điện tử Wincent cho biết các thông báo sắp tới liên quan đến quy định ngành tài sản số, luật ngân hàng, hay việc thành lập dự trữ Bitcoin chiến lược vẫn chưa được phản ánh hết trong giá hiện tại.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho một tuần đầy biến động với sự chuyển giao chính quyền tại Mỹ. Dự kiến giá sẽ dao động tăng giảm khoảng 10% đối với các đồng tiền mã hóa lớn như BTC, SOL, ETH, và XRP, tùy thuộc vào kết quả các thông báo từ Tổng thống sắp nhậm chức,” ông bày tỏ.
Trong suốt hành trình lập đỉnh và lao dốc của Bitcoin thời gian qua, CEO của JPMorgan - Jamie Dimon vẫn giữ nguyên quan điểm tiêu cực về thị trường này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CBS News, Dimon phát biểu: “Bitcoin không có giá trị nội tại. Nó chủ yếu được sử dụng bởi các hoạt động phi pháp như buôn người, rửa tiền và tấn công mạng”.
Mặc dù JPMorgan đã tham gia vào các sản phẩm tài chính liên quan đến Bitcoin bao gồm cả vai trò hỗ trợ quỹ ETF Bitcoin giao ngay của BlackRock, nhưng Dimon vẫn không thay đổi quan điểm phản đối tiền điện tử. Điều này tương phản với CEO BlackRock, Larry Fink, người đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về Bitcoin trong những năm gần đây.
Hiện nay, JPMorgan đang mở rộng sự tập trung vào công nghệ Blockchain thực tế. Nền tảng Blockchain của ngân hàng này trước đó là Onyx, đã được đổi tên thành Kinexys nhằm đẩy mạnh quá trình mã hóa tài sản thực (RWA).
Umar Farooq, Trưởng bộ phận thanh toán của JPMorgan cũng nhấn mạnh mục tiêu của ngân hàng là giảm các hạn chế trong hạ tầng tài chính hiện tại. Dự kiến tính năng giao dịch ngoại hối trực tuyến trên nền tảng Blockchain Kinexys sẽ ra mắt ngay trong quý I/2025, đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng Blockchain vào hệ thống tài chính truyền thống.
Có thể thấy, dù triển vọng dài hạn của Bitcoin vẫn tích cực nhờ kỳ vọng dòng tiền tổ chức và môi trường pháp lý thuận lợi, nhưng vẫn không tránh khỏi những thách thức lớn từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Fed. Vì vậy, các nhà đầu tư nên thận trọng quan sát sự điều chỉnh của các đồng tiền.