Để hết những hoài nghi kiểu “con bò” gục xuống khi “trái khế” vừa chín mọng thì hãy mau chóng chứng minh hàng trăm pha bổ nhiệm như thế đều xứng đáng! Còn không, phải giải thích thế nào với nhân dân.
Câu tục ngữ “bò chết nhằm lúc khế rụng” chỉ để ám chỉ sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại hợp quy luật âm dương ngũ hành trong ẩm thực. Song, ở đây chỉ là cái cớ để nói đến một sự trùng hợp lạ kỳ.
Cách đây gần 3 năm, chính xác là tháng 11/2015, giữa cái rét căm Miền Bắc, giữa lúc mọi cơ quan ban ngành, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên tất bật làm báo cáo tổng kết hoạt động cuối năm. Giữa nghị trường Quốc hội, Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra hai khái niệm mà đúng hơn là hai thực trạng đáng được nghiên cứu luật hóa, đó là: “chuyến tàu vét” và “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Xin không bình thêm vì chắc sẽ không thể hay hơn những gì hàng trăm tờ báo đã làm suốt hơn 2 năm qua. Vấn đề là chờ xem hai trạng thái tiêu cực mà ông Lê Như Tiến đã thi vị hóa có nhiều hay ít trong thực tế.
Quả thật, những thứ mà một Đại biểu Quốc hội đã dũng cảm nói ra giữa nghị trường không thể nói là ít. Từ Miền Tây gạo trắng nước trong là Bạc Liêu, Long An đến tận Miền Trung gió Lào là Quảng Bình, Thanh Hóa, đến thành phố lớn nhất nước là TP HCM…, kéo theo là những con số “hàng chục” người được “lên ghế” trước khi “sếp” về vườn.
Hoàng hôn nhiệm kỳ để lại hệ quả khó lường
Chưa có điều luật nào cấm bổ nhiệm trước khi người ký quyết định đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” nhưng phải chăng, đó lại là sự trùng hợp đến lạ kỳ khi mà người ta bỗng dưng thấy cần thiết phải có thêm hàng chục lãnh đạo vào thời điểm sắp “hoàn dân”?
Có thể bạn quan tâm
|
Câu chuyện tại ACV (Công ty cảng hàng không Việt Nam) lại thêm một chút mắm muối để sự hoài nghi tăng lên. Có đến 76 quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo được ông Tổng Giám đốc ký trong vòng 1 tháng trước khi nghỉ hưu!
Bổ nhiệm cán bộ là chuyện thường tình trong mọi cơ quan tổ chức, sau khi xét thấy năng lực trình độ và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không ai cãi được vì ai cũng biết. Nhung động cơ bổ nhiệm lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” là gì thì chỉ có… trời biết.
Nhưng có điều con số hàng chục khiến dư luận đặt câu hỏi. Yêu cầu nhiệm vụ và kiện toàn bộ máy là nhiệm vụ thường xuyên chứ không phải đột xuất, nên khó có thể đồng loạt lên chức và đồng loạt xuống ghế!
Những địa phương vừa dẫn ra ở trên đều là những nơi có bổ nhiệm hàng loạt lúc…”nhá nhem tối” và thật trùng khớp đều là những nơi phát hiện thấy sai phạm.
Thanh Hóa mới đây đã đề nghị xử lý nguyên Giám đốc sở Nông nghiệp nhiệm sai quy trình hàng loạt; ở Bạc Liêu khi không còn chức vụ vẫn ký bổ nhiệm như thường; một Giám đốc sở ở TP HCM bị khiển trách vì bổ nhiệm sai trong vòng vài tuần trước khi về hưu; Long An thu hồi 4 quyết định được bổ nhiệm ở phút 90…
Giữa lúc cơn lạm phát chức vụ không biết xử lý sao cho hết thì có nơi bổ nhiệm hàng trăm người trong thời gian ngắn. Chuyện giảm lãnh đạo ở Đà Nẵng đang rất “nóng”, thậm chí chi thêm vài trăm triệu đồng để lấy lại 1 “ghế”!
Tâm lý lãnh đạo lúc “xế chiều” là thứ còn xa xôi với công cuộc phòng chống tham nhũng, nhưng đó là thứ tạo nên sự “dũng cảm” cần thiết để thực hiện những “chuyến tàu vét” lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Khi mà sự phấn đấu đã đi đến cuối con đường, vinh quang tột trần cộng với kẽ hở trong thể chế và những cám dỗ xung quanh dễ thôi thúc con người ta thực hiện ý đồ đã ấp ủ từ lâu.
Vì không còn sợ mất chức? Vì chữ “nguyên” nhiều lắm cũng chỉ có ý nghĩa trên loa đài? Và còn vì nhiều thứ khác quan trọng hơn mà ai cũng biết! Có hay không “nén bạc đâm toạc tờ giấy”?.
Và cuối cùng, vì sao thiên hạ bức xúc? Là vì những nơi ấy được đài thọ bởi công sức do người dân đóng góp, mỗi khoản lương phải trả không tương xứng đề xót như giọt mồ hôi chảy vào con mắt.
Và để hết những hoài nghi kiểu “con bò” gục xuống khi “trái khế” vừa chín mọng thì hãy mau chóng chứng minh hàng trăm pha bổ nhiệm như thế đều xứng đáng! Còn không, phải giải thích thế nào với nhân dân.