Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần “xắn tay áo” vào cuộc ngay, phối hợp cùng Lai Châu xây dựng chương trình hành động 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh khi làm việc với tỉnh Lai Châu về về tình hình phát triển công nghiệp - thương mại 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ, thực hiện 6 tháng cuối năm 2020 và một số hoạt động của ngành Công Thương Lai Châu, ngày 15/7.
Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi khó khăn do những đặc thù về hạ tầng, dân cư cũng như nguồn lực hỗ trợ cho địa phương còn hạn chế, dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế địa phương còn nhiều tồn tại, chưa thuận lợi.
Song, trước những khó khăn và vướng mắc ngăn trở như vậy nhưng tỉnh Lai Châu vẫn có bước chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt, Lai Châu hiện là một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước về thủy điện, khi mỗi năm đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh (số liệu EVN) với công suất ổn định, giá bán cạnh tranh, giúp đảm bảo cân đối cung cầu về điện trên cả nước cũng như đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và phát triển của địa phương.
Theo ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, trong bối cảnh đặc biệt chưa từng có tiền lệ 6 tháng đầu năm khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Về lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.616 tỷ đồng, bằng 26,4% kế hoạch năm. Các sản phẩm sản xuất chủ yếu 6 tháng đầu năm 2020 gồm điện sản xuất 1.356 triệu kWh; đá đen 30.000 viên; đá xây dựng 271.227 m3; chè các loại 2.736 tấn; gạch xây dựng 32,04 triệu viên; nước máy sản xuất 2,435 triệu m3; quặng các loại 1.120 tấn; xi măng 3.952 tấn.
Tính đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 115 dự án thủy điện đã được đưa vào quy hoạch (bao gồm cả dự án thủy điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát) với tổng công suất 3.648,4 MW, điện lượng trung bình năm là 13.899,71 triệu kWh.
Trong đó, có 19 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh với tổng công suất lắp máy 2.246,85 MW, điện lượng trung bình năm 8.919,3 triệu kWh; có 64 dự án đã cấp chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành phát điện kinh doanh với tổng công suất 1.051,45 MW; còn lại 32 dự án với tổng công suất 350,1 MW đã được quy hoạch, đang hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư.
Về lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3.039,3 tỷ đồng, bằng 52,4% kế hoạch năm. Chỉ số CPI bình quân trên địa bàn tỉnh tăng 5,21% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 đạt 30,7 triệu USD, bằng 67,9% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 25,4 triệu USD, bằng 81,3% kế hoạch năm. Giá trị hàng hóa của địa phương xuất khẩu đạt 5,7 triệu USD, bằng 37,3% kế hoạch năm.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã đưa ra 12 đề xuất, kiến nghị mong Bộ Công Thương “gỡ khó” để tỉnh có điều kiện thuận lợi trong tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Trong đó, các kiến nghị tập trung vào giải pháp phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, quy hoạch điện mặt trời, quy hoạch và đấu nối các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện quan trọng Quốc gia, các vướng mắc liên quan đến rừng tự nhiên.
Đồng thời, tỉnh Lai Châu cũng chia sẻ những ý kiến xoay quay vấn đề phát triển và quản lý chợ, ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O), logistics, đầu tư cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, mở lại hoạt động tại cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025.
Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có nhiều kiến nghị liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, chức năng và công tác điều hành của Bộ Công Thương trong thời gian qua. Bộ Công Thương cũng ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển của mỗi địa phương.
“Từ góc độ trách nhiệm và vai trò của mình, lãnh đạo đơn vị cần “xắn tay áo” vào cuộc ngay, không chỉ lắng nghe, góp ý mà phải tiến tới phối hợp cùng Lai Châu xây dựng chương trình hành động 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo”, Bộ trưởng khẳng định.
Từ ý kiến của Bộ trưởng, đại diện 8 đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp cho những vướng mắc của Lai Châu, đồng thời gợi mở những hướng phát triển sâu rộng hơn cho tỉnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh khó khăn chung, đòi hỏi Bộ Công Thương và tỉnh phải cùng nhau vượt qua những vướng mắc còn tồn tại.
“Đây là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để đánh giá đúng, kịp thời những tồn tại và nguyên nhân, để làm sao tạo thuận lợi tối đa cho tăng trưởng của tỉnh”, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lai Châu một số vấn đề để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Một là, khi năng lực sản xuất sản phẩm xuất khẩu và các lĩnh vực kinh tế khác còn hạn chế về số lượng và quy mô, trước hết do nút thắt về hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện về nguồn nhân lực,… Lai Châu cần tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược, đặc biệt có kế hoạch triển khai, thực hiện cụ thể.
Hai là, tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hình thành chuỗi giá trị có sự tham gia của doanh nghiệp sản xuất - phân phối đi cùng với phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa.
Trong đó, không đòi hỏi chuỗi giá trị phải có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh tại những thị trường lớn mà có thể tận dụng các thị trường ngách.
Tỉnh cần chủ động xác định các sản phẩm thế mạnh của địa phương, còn các đơn vị thuộc Bộ Công Thương sẽ tích cực xác định thị trường tiềm năng, định hướng cho sản xuất, xuất khẩu, phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp với địa phương dựa trên cơ sở thực tiễn, đồng thời tổ chức tháo gỡ từ những nút thắt cơ bản.
Ba là, tăng cường năng lực thể chế và nguồn nhân lực, đặc biệt trong bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương. Bộ Công Thương giao Trường Đào tạo cán bộ tổ chức các chương trình đào tạo cán bộ quản lý và doanh nghiệp trong những lĩnh vực mà địa phương đang có nhu cầu.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và coi đây là hoạt động trọng tâm trong phát triển thị trường để sẵn sàng tiếp cận các thị trường mới, có tiềm năng và phù hợp.
“Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp xây dựng kế hoạch làm việc với chính quyền, các các cơ quan chức năng tại tỉnh Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại qua biên giới dưới nhiều hình thức, cũng như phát triển lĩnh vực logistics, đơn giản hóa thủ tục hải quan… để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Có thể bạn quan tâm