Bộ Giáo dục lại nấu món “cơm đổi mới”?!

Sông Hàn 13/10/2018 05:00

“Sẽ không còn kỳ thi “2 trong 1” để ép học sinh thi lấy kết quả xét tuyển đại học”. Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo  Phùng Xuân Nhạ mới đây.

Bộ GD-ĐT lại muốn thay đổi kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) sẽ từng bước thay đổi, tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở mức độ nhất định, đưa ý nghĩa kỳ thi THPT quốc gia về thực chất hơn. Đáng chú ý, trước đó, giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ để xét tốt nghiệp.

Phải nói rằng, những phát biểu trên của người đứng đầu ngành GD-ĐT đã gây bất ngờ lớn cho dư luận. Bởi lẽ, nhiều chuyên gia đang có chung nhận định là đề thi THPT quốc gia hiện tại được thiết kế để đáp ứng 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH “3 chung” (chung đợt - chung đề - chung kết quả) trước đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Sự cố Hà Giang: Giữ hay bỏ kỳ thi “2 in 1”?

    Sự cố Hà Giang: Giữ hay bỏ kỳ thi “2 in 1”?

    06:30, 20/07/2018

  • Sự cố Hà Giang: “Thà một lần đau” để trong sạch các kỳ thi về sau!

    Sự cố Hà Giang: “Thà một lần đau” để trong sạch các kỳ thi về sau!

    12:30, 20/07/2018

Sau 3 năm thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia, kỳ thi đã phát huy nhiều ưu điểm và đã được xã hội ghi nhận. Đây được đánh giá là nỗ lực rất lớn của Bộ GD-ĐT nhằm tạo độ phân hóa cao, giảm áp lực thi cử cho học sinh, tiết kiệm cho xã hội.

Cụ thể: Việc áp dụng đề thi trắc nghiệm khách quan phù hợp kỳ thi đánh giá kiến thức THPT với số lượng thí sinh lớn trong cả nước. Thi trắc nghiệm (mỗi thí sinh một mã đề thi) đảm bảo tính khách quan trong đánh giá cũng như chấm bài nhanh hơn và hạn chế việc luyện thi, học tủ… Đồng thời, việc tổ chức các cụm thi tại địa phương với sự phối hợp của các trường ĐH nhận được đồng thuận lớn của dư luận, đặc biệt là phụ huynh, giảm chi phí, tốn kém..v..v

Với những ưu việt mà kỳ thi THPT Quốc gia đang có được. Nếu chỉ chủ yếu mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi sẽ không còn sự phân hóa tốt, tức cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sẽ không còn đáng tin cậy. Trong khi đó, ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, cũng chính Bộ GD-ĐT khẳng định với toàn ngành sẽ giữ phương thức “2 trong 1” đến năm 2020 để ổn định việc thi cử, không ảnh hưởng đến học sinh.

PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từng cho biết: “Mặc dù vẫn còn một số ý kiến khác nhau nhưng các ý kiến cho rằng việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay cần thiết phải kéo dài một vài năm nữa với một số cải tiến nhằm nâng cao độ tin cậy, tính trung thực của kỳ thi để phù hợp hơn với 2 mục đích chính là đánh giá kết quả học tập phổ thông và xét tốt nghiệp phổ thông”.

Mọi thứ dường như quay ngắt kể từ khi kỳ thi năm 2018 tại một số địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... vừa qua xảy ra tiêu cực. Thế nhưng, mọi người xin nhớ, cái sai lại rơi vào con người. Các cá nhân trong quá trình thực hiện khâu chấm thi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để “bóp méo” kết quả. Họ đã nhúng bàn tay của mình vào để phá vỡ sự nghiêm túc, công bằng vốn có của kỳ thi.

Nói cách khác, bản thân quy trình ấy là tốt, nó chặt hay lỏng, nó đúng hay không đúng thì vẫn do con người. Nếu làm đúng theo quy trình chấm thi ấy, có thể khẳng định sẽ không có sai sót gì. Nó sai vì có con người tác động vào làm sai lệch quy trình ấy.

Trong điều kiện hiện nay, kỳ thi “2 trong 1” là phương án tối ưu nhất nhưng để tốt hơn, nên giao về các trường ĐH để đảm bảo khách quan hơn, đảm bảo công bằng cho xã hội. Chứ không thể vì một “hạt sạn” mà bỏ cả nồi cơm. Không thể vì sai sót của một tập thể ở một vài địa phương cố tình làm sai mà phủ nhận sự cố gắng của đa số địa phương khác trên cả nước.

Chính vì vậy, nói về giáo dục nói chung và các em học sinh, sinh viên nói riêng, để một đề án hay chính sách phát huy, thích ứng được thì vẫn cần có lộ trình, thời gian nhất định. Đừng để các em tiếp tục lạc vào những ma trận vô hình của cái gọi là “đổi mới”, cải cách như thời gian qua. Không ai khác, chính các em sẽ bị mất định hướng, chẳng biết con đường nào sẽ mang lại sự phát triển cho bản thân.

 Xin Bộ Giáo dục đừng vội vàng nấu món “cơm đổi mới” nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Giáo dục lại nấu món “cơm đổi mới”?!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO