Cùng với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản, hai Dự án Luật: Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 09/11.
Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng 09/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Đào Ngọc Dung sẽ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.
Cùng với Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), sáng cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn cũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra.
Cũng tại phiên buổi sáng 09/11, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Sau đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên buổi chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Trong hai Dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến trong ngày 09/11, Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, bắt đầu từ những thay đổi trong quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Còn Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được cho sẽ thể chế hoá các quan điểm, nghị quyết của Đảng về việc tăng cường các nguồn tín dụng chính sách cũng như quan tâm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm (trong và ngoài nước) cho các đối tượng yếu thế, đặc thù, nhất là lao động nghèo, lao động thuộc các vùng khó khăn. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập của luật hiện hành.