Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập

Gia Nguyễn 20/11/2024 04:30

Để tránh sự chênh lệch trong thực tế, góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo, một số ý kiến cho rằng, cần tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập...

Theo đó, Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới về cách tiếp cận, chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn, chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực để phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, phù hợp với sự đổi mới sâu sắc từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học.

Dù được đánh giá, Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập - Ảnh minh họa
Dù được đánh giá cao, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập - Ảnh minh họa: ITN

Đối tượng, phạm vi áp dụng của Dự án Luật này là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập, đảm bảo sự bình đẳng giữa các nhà giáo về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm...

Đây cũng là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống, theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Một điểm đáng chú ý, Dự án Luật quy định yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực, gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

dua-thao-luat-nha-giao-19.11.1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những chế định pháp lý quan trọng, tạo công bằng, thể hiện sự tôn vinh đối với nhà giáo một cách thiết thực - Ảnh minh họa: ITN

Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cũng được quy định làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu thực tế của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Đặc biệt, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác...

Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đánh giá cao những nội dung được Dự thảo Luật đề xuất, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, chính sách được ban hành cần tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều những danh xưng to lớn dành cho nhà giáo, thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với các thầy cô. Tuy nhiên, lại thiếu tính cụ thể của một quy phạm pháp luật, để các nhà giáo chính thức được hưởng quyền và nghĩa vụ tương ứng một cách thiết thực. Các văn bản hiện tại đang phù hợp với nhà giáo công lập nhiều hơn mà chưa có sự chỉ đạo cụ thể để đảm bảo quyền lợi với những nhà giáo ngoài công lập.

Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành tới đây, sẽ có các quy định rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi chung cho nhà giáo. Đây là những chế định pháp lý quan trọng, tạo công bằng, thể hiện sự tôn vinh đối với nhà giáo một cách thiết thực; tạo điều kiện cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập được bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp, phát huy vai trò của nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Và để đạt được mục tiêu này, Dự thảo Luật cũng cần phải có một hệ thống tiêu chí đánh giá phù hợp với các nhà giáo dù họ có làm việc trong cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, về nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, Dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về các quyền của nhà giao liên quan tới việc làm, môi trường làm việc được tôn trọng, bảo vệ an toàn. Tạo cơ hội để nhà giáo phát triển nghề nghiệp tốt nhất và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho hay, cần có chính sách đãi ngộ cao hơn nữa cho nhà giáo nói chung, đặc biệt với nhà giáo công tác tại trường chuyên biệt nói riêng để tương xứng với nhiệm vụ, đặc thù lao động.

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Nhà giáo hiện được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, những luật này chưa giải quyết được tính đặc thù trong lao động của nhà giáo.

“Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục”, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ.

Được biết, theo kế hoạch, Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Đây là Dự án Luật được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO