Bộ GTVT vẫn “bảo lưu” xe công nghệ là taxi

Sông Xanh 21/03/2019 11:02

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về thảo luận xung quanh dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký.

Đáng chú ý nhất trong báo cáo có lẽ vẫn là “taxi công nghệ” mà lâu nay dư luận rất quan tâm. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nói việc “quản lý xe ô-tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng khoa học công nghệ” (xe công nghệ) đã được Bộ này chủ trì lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan, các hiệp hội taxi, hiệp hội thương mại điện tử, thậm chí cả các nhà báo theo dõi ngành.

p/Trong khi đa số thành viên Chính phủ biểu quyết xe công nghệ là xe hợp đồng thì Bộ GTVT đề xuất là taxi.

Trong khi đa số thành viên Chính phủ biểu quyết xe công nghệ là xe hợp đồng thì Bộ GTVT đề xuất là taxi.

Vướng mắc vẫn tồn tại

Bộ GTVT nói nếu coi xe công nghệ là taxi, thì phải bổ sung quy định về thời gian hoạt động tại địa phương cấp phù hiệu tối thiểu bằng 70% trong tháng kiểm soát tình trạng xe taxi đăng ký tại các địa phương xung quanh các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, sau đó lại hoạt động chủ yếu tại các đô thị này. Lý do vẫn là nếu không kiểm soát được thì sẽ sẽ gây khó khăn cho quản lý, gây ách tắc giao thông và xáo trộn hoạt động vận tải tại các đô thị.

Nếu coi xe công nghệ là xe hợp đồng, thì ngoài quy định nói trên, còn phải bổ sung nhiều quy định khác. Chẳng hạn như phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển, có thiết bị truy cập vào nội dung hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách, những thông tin về lựa chọn, đàm phán về hành trình, thời gian và giá trị hợp đồng.

Nhưng điều khó hiểu nhất, và đi ngược lại với tinh thần kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, tiện lợi, an toàn và phù hợp với xu hướng công nghệ, đó là Bộ GTVT cho rằng, những quy định này là để “đảm bảo cân bằng với xe taxi”.

Nhưng có lẽ, điều đáng nói hơn lại nằm ở chỗ khác. Bởi sau khi Bộ GTVT chốt hai phương án này, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với hai phương án này. 27 phiếu phát ra và đã có 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến. Theo nguyên tắc, Thủ tướng Chính phủ sẽ cho ý kiến sau cùng.

Cứ theo báo cáo của Bộ GTVT, thì trong số 26 thành viên đã có ý kiến chỉ có 8 thành viên Chính phủ chọn phương án xe công nghệ là taxi, 15 thành viên chọn phương án là “xe hợp đồng” và 3 thành viên đề nghị có phương án quản lý riêng vì xe công nghệ là một loại hình kinh doanh mới.

Nguy cơ “trái luật” vẫn đề xuất

Bộ GTVT cũng thừa nhận, dù phương án coi xe công nghệ là taxi có một số điểm phù hợp, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ “trái luật”. Mà cụ thể ở đây, việc coi xe công nghệ là taxi sẽ trái với hai đạo luật hiện hành. Vì Luật Giao dịch điện tử đã quy định các chủ thể được tự do chọn lựa sử dụng giao dịch điện tử, cản trở giao dịch điện tử đương nhiên vi phạm luật này. Luật Giao thông đường bộ 2008 đã cho phép hình thức kinh doanh vận tải theo hợp đồng cả với xe dưới 9 chỗ ngồi thì coi xe công nghệ là taxi sẽ không phù hợp.

Còn nếu coi xe công nghệ là xe hợp đồng thì phù hợp với đa số ý kiến thành viên Chính phủ và các cơ quan chuyên môn, phù hợp với Luật Giao dịch điện tử 2005 và Luật Giao thông đường bộ 2018. Và đương nhiên, Bộ GTVT đã không đề cập gì đến ý kiến của 3 thành viên Chính phủ đề nghị có phương thức quản lý khác cho loại hình kinh doanh vận tải rất mới này.

Điều đáng nói, dù Bộ GTVT cũng nắm rất chắc nguyên tắc làm việc của Chính phủ nhưng dường như Bộ này muốn đi ngược lại. Bởi trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GVTV trích dẫn Nghị định 138/2016 về nguyên tắc làm việc của Chính phủ đã quy định rằng: “quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ tán thành”. Và nếu theo nguyên tắc này, thì đương nhiên phương án coi xe công nghệ là “xe hợp đồng” sẽ được lựa chọn.

Hơn nữa, cũng chính Bộ này thừa nhận, khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm dùng loại hình xe công nghệ mà Thủ tướng cho phép thì người dân đã được tạo thuận lợi. “Đối với người dân, đó là thuận lợi và chi phí cho chuyến đi, yêu cầu đối với đơn vị kinh doanh vận tải là an toàn cho hành khách, thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải…”. Tuy vậy, Bộ này lại cho rằng: xe sử dụng hợp đồng điện tử là “tương đối giống với xe taxi”.

Trước nguy cơ trái luật và trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ, cũng như những lý giải rất “mâu thuẫn” đã kể trên, thế nhưng, Bộ GTVT vẫn đề xuất Chính phủ chọn phương án coi xe công nghệ là xe taxi. Vì sao lại có một đề xuất ngược đời như vậy chắc chỉ có Bộ GTVT mới có thể trả lời thấu đáo.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ quản lý xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ như taxi –

    Sẽ quản lý xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ như taxi – "Lối mở cho vụ kiện Vinasun và Grab"?

    15:05, 07/03/2019

  • Grab, Go-Việt và hành trình xây dựng

    Grab, Go-Việt và hành trình xây dựng "siêu ứng dụng" kiểu mới

    17:15, 25/02/2019

  • Grab đề xuất gắn đèn led phân biệt “taxi công nghệ” và “taxi truyền thống”

    Grab đề xuất gắn đèn led phân biệt “taxi công nghệ” và “taxi truyền thống”

    18:05, 21/02/2019

Xét cho đến cùng, những đề xuất về quản lý nhà nước đều phải xuất phát từ lợi ích của công chúng và đúng luật, đúng nguyên tắc làm việc của Chính phủ. Thế nhưng trong trường hợp này, rõ ràng Bộ GTVT dường như không chọn lợi ích của công chúng và các quy định của pháp luật làm điểm xuất phát. Cũng rất may, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã không đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT.

Thậm chí, Phó Thủ tướng còn yêu cầu Bộ này soạn thảo lại dự thảo nghị định theo nguyên tắc: Phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước; cạnh tranh lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách.

Còn riêng với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới 9 chỗ, Phó Thủ tướng còn yêu cầu Bộ GTVT phải nghiên cứu thêm ý kiến phải có hình thức quản lý riêng cho xe công nghệ của 3 bộ trưởng. Đương nhiên, về nguyên tắc có thể đa số là đúng. Nhưng trong những trường hợp đặc thù, không phải bao giờ đám đông cũng đúng. Trong trường hợp xe công nghệ này, có lẽ cần có phương án quản lý riêng là điều hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ GTVT vẫn “bảo lưu” xe công nghệ là taxi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO