Các ứng dụng gọi xe càng làm càng lỗ, thị trường cũng không còn dư địa để phát triển, vậy tại sao những nhà đầu tư vẫn vui vẻ rót hàng tỷ USD vào các nền tảng này?
Mới đây, Uber vừa công bố báo cáo tài chính cùng với khoản lỗ 1.8 tỷ USD trong năm 2018. Lỗ lớn ngay trước thềm IPO dấy lên không ít câu hỏi về khả năng sinh lời của mô hình taxi công nghệ này.
Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn đang vui vẻ rót thêm hàng tỷ USD vào Uber, khi họ hiểu rõ mục đích lâu dài của nền tảng này. Tại Việt Nam, Grab và Go-Việt cũng đang đi theo con đường mà Uber đang đi.
Mô hình không thể sinh lời
Mức lỗ 1.8 tỷ USD sẽ không đáng chú ý đến thế nếu không có 1 chỉ số khác đi kèm là doanh thu. Doanh thu của Uber đang có dấu hiệu đứng lại, lợi nhuận quý cuối của Uber chỉ tăng 2% so với quý trước đó, trong khi trước đó con số này toàn là 2 con số.
Dư địa phát triển và tăng doanh thu dịch vụ gọi xe của Uber đã hết. Họ đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn, và đang gặp phải phản ứng gay gắt từ Chính phủ trước những mâu thuẫn với các hãng taxi truyền thống cũng như phải chịu trách nhiệm cho việc gây tình trạng kẹt xe thêm tồi tệ. Doanh thu của họ có nguy cơ dừng tăng trưởng trong năm tiếp theo.
Trong khi Uber cũng không thể tăng giá cước để tạo ra lợi nhuận, khi những đối thủ cạnh tranh vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi. Họ phải giữ nguyên giá nếu không muốn mất thị phần.
Vậy có nghĩa là: Uber không có cách nào tạo lợi nhuận từ thị trường gọi xe?
Có lẽ vậy, và có lẽ tình trạng này không gây ra nhiều bất ngờ. Vì từ lúc mới bắt đầu, mô hình kinh tế chia sẻ, đặc biệt là taxi công nghệ, vốn được nhận xét là sẽ bị mắc kẹt trong cuộc chiến về giá và không thể sinh lời.
Đối chiếu sang thị trường Việt Nam, Grab và Go-Việt cũng đang đi vào con đường thua lỗ của Uber.
Ở mảng taxi và xe ôm công nghệ, Grab vẫn đang là thống lĩnh thị trường, theo sau đó là Go-Việt. Những đối thủ nhỏ đang bám đuổi có thể kể tới Bee và Fast Go. Doanh thu của Grab trong năm 2018 ở Việt Nam và cả Đông Nam Á vẫn tăng, đạt mốc 1 tỷ USD - gấp đôi năm 2017.
Tuy nhiên, tại Việt Nam đã có những dấu hiệu cảnh báo doanh thu của Grab mảng gọi xe sẽ chậm lại trong những năm tới.
Đầu tiên là về thị trường. Grab đã bao phủ các thành phố lớn nhất của Việt Nam - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... trong những năm sắp tới, lượng tăng người dùng của Grab ở Việt Nam sẽ chậm lại.
Rồi đó là câu chuyện về chính sách quản lý. Diễn biến mới nhất trong vụ kiện giữa Grab và Vinasun thì Grab đã phải tự nhận mình là taxi công nghệ. Sắp tới số lượng xe của Grab sẽ được quản lý chặt chẽ theo chính sách và Grab thì vốn đã vi phạm chính sách cho taxi cả tá lần.
Không chỉ là câu chuyện về dư địa phát triển. Grab cũng gặp không ít khó khăn trong câu chuyện cạnh tranh. Grab và Go-Việt vẫn đang so kè nhau trong việc đưa ra dịch vụ gọi xe giá rẻ. Chỉ vì giảm giá không bằng Go-Việt mà Grab hiện đang để cho Go-Việt chiếm gần 30% thị trường. Trong tương lai, khó có chuyện 2 hãng gọi xe này tăng giá, giảm khuyến mãi để kiếm lời.
Ngay cả nếu như Go-Việt rút lui giống cái cách Uber bắt tay với Grab đầu năm trước, thì các hãng khác cũng sẵn sàng nhảy vào tiếp tục cuộc chơi với Grab. Cuộc chiến này dường như không có điểm dừng.
Vậy tại sao những nhà đầu tư vẫn không dừng việc rót hàng tỷ USD vào các ứng dụng gọi xe này?
Chỉ là viên gạch trong đế chế "độc quyền kiểu mới"
Amazon - công ty có vốn hoá lớn nhất Thế Giới - cũng từng phải trải qua 1 thị trường cạnh tranh khắc nghiệt không kém. Hiện nay, Amazon không còn phải lo lắng về đối thủ cạnh tranh, không chỉ một mình độc chiếm thương mại điện tử, Amazon di chuyển đến ngành nào, các công ty thuộc ngành đó chỉ có 2 lựa chọn: bị mua hoặc phá sản.
Với sức mạnh hệ sinh thái của Amazon và khả năng "thực hiện ý tưởng của người khác nhanh hơn họ", Amazon là đại diện tiêu biểu nhất cho "độc quyền kiểu mới". Cụm từ To be Amazoned - bị Amazon hoá chính thức được nhiều từ điển lớn công nhận.
Uber đang trên con đường xây dựng đế chế tương tự cho mình - Mục tiêu của họ là "toàn bộ ngành logistic", mà taxi công nghệ chỉ là viên gạch đầu tiên. Trong báo cáo tài chính, có thể thấy họ đang đầu tư hàng tỷ USD vào dịch vụ gọi cano, xe tải, và cả máy bay. Họ nghiên cứu công nghệ xe không người lái, chùm công nghệ online-to-offline. Họ lấn sang cả dịch vụ thanh toán, và đầu tư.
Tất nhiên, Grab và Go-Việt cũng đang đi trên lộ trình tương tự. Ở Việt Nam, Grab hiện đang hoạt động trên 3 mảng: Đặt xe (GrabTaxi, GrabCar, GrabBike), Giao nhận (GrabExpress, GrabFood), và Công nghệ tài chính (GrabFinancial, GrabPay, GrabRewards). Trong năm nay, Grab đang tính mở thêm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và bán bảo hiểm trực tuyến.
Go-Việt không kém cạnh với Go-Bike, Go-Food, Go-Send, và Go-Pay. Ngoài ra những dịch vụ mới như Go-Box, Go-Tix, Go-Med, Go-Massage đang hoạt động ở Indo cũng có thể sẽ gia nhập Việt Nam thời gian sắp tới.
Hiện tại thì họ đang cùng hàng chục ứng dụng khác ở Việt Nam cạnh tranh gay gắt, nhưng tương tai hứa hẹn chỉ còn 1 ứng dụng duy nhất tồn tại. Người dùng trong tương lai cũng sẽ chỉ lưu trữ 1 vài "siêu ứng dụng" lo từ A đến Z trong điện thoại của mình.
Có thể bạn quan tâm
18:05, 21/02/2019
06:30, 17/02/2019
Những siêu ứng dụng này sẽ chịu lỗ ở 1 vài ngành và dịch vụ, để thu lời ở dịch vụ khác. Để ví dụ, có thể tưởng tượng rằng Grab trong tương lai sẽ trở thành siêu ứng dụng, họ vui vẻ để giá cước dịch vụ vận chuyển và dịch vụ giao nhận thấp hơn cả bây giờ, chịu lỗ ròng. Nhưng quan trọng hơn, họ nắm được dòng tiền của hàng trăm triệu khách hàng sử dụng 2 dịch vụ trên qua GrabPay - số tiền này sẽ được dùng để sinh lời qua thị trường tài chính.
Một chiến lược hoàn hảo, không một công ty nào khác có thể cạnh tranh ở những "dịch vụ mồi" của những "độc quyền công nghệ kiểu mới" này. Và khi không thể cạnh tranh ở dịch vụ mồi, thì họ cũng không thể cạnh tranh trong những dịch vụ mở rộng, khi người dùng đã ở trong hệ sinh thái của đế chế.
Đây cũng là lý do vì sao các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan và ngày càng đổ thêm tiền vào các nền tảng như Uber, Grab, và Go-Việt để xây dựng các đế chế tương lai.
Tuy nhiên, họ đang gặp phải thử thách rất lớn, khi Nhật Bản đang khởi xướng xây dựng luật kiềm chế những gã độc quyền kiểu mới này. Liệu Uber, Grab, hay Go-Việt sẽ có thể xây dựng được các đế chế của mình không? Hãy chờ xem.