Sự cả nể chiều lòng dư luận sẽ tiếp tục giữ chân cho nền giáo dục đào tạo Việt Nam.
>>Tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu trong giáo dục
Khách quan mà nói, giáo dục - đào tạo ngày nay khác thế hệ trước rất nhiều.
Ngày trước kiến thức chỉ nằm trong sách giáo khoa, từ sự hiểu biết của thầy cô giáo và các đầu sách trong thư viện truyền đạt đến học sinh phần nhiều mang tính thụ động, thầy đọc trò chép, thầy giảng trò nghe.
Còn hiện nay thế giới tri thức nằm trong lòng bàn tay học sinh, như con thuyền bơi trên đại dương tri thức, thầy cô giáo là người dẫn dắt gợi mở đưa con thuyền đi đúng luồng lạch để thu hoạch được nhiều kiến thức bổ ích cho hành trình làm người được “thuận buồm xuôi gió”.
Học sinh có thể tự tìm hiểu, khám phá nội dung kiến thức mình quan tâm, không chỉ theo sách giáo khoa mà cả trên Internet. Do vậy việc Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có bước đi táo bạo khi mở cửa, xé rào, trao quyền chủ động cho giáo viên với việc kiểm tra bài đầu giờ.
Điều này hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng vào việc định hướng phát triển năng lượng và phẩm chất học sinh. Không đặt nặng hình thức bằng cách kiểm tra xem học sinh tiếp thu nhớ được, thuộc lòng được bao nhiêu kiến thức mà chú trọng vào việc vận dụng kiến thức, kỹ năng vào đời sống thực tế.
Chính sự hình thức nặng thành tích trong giáo dục làm cho học sinh Việt Nam phát triển không toàn diện khi rất giỏi lý thuyết hàn lâm, nhưng kém về thể thao, kĩ năng sống. Cách kiểm tra đầu giờ cũng gây áp lực lên học sinh khi chưa coi mỗi học sinh là một chủ thể khác biệt.
Chị bạn tôi trở về từ Đức cùng cậu con trai nhỏ ở Đức điểm số của mỗi cá nhân là bí mật không cần phải công khai, không có họp phụ huynh cả lớp, cần trao đổi gì với phụ huynh, giám hộ, thì giáo viên sẽ hẹn gặp riêng. Thành tích cá nhân được tôn trọng dù trẻ còn rất nhỏ, trẻ đi học luôn cảm thấy vui vẻ thoải mái khi đến trường.
>>Nhiều nhà đầu tư “để mắt” đến giáo dục đại học Việt Nam
Quan điểm của họ, mỗi là cá nhân là chủ thể riêng biệt, có thể học không giỏi thì sẽ đá bóng giỏi, bơi giỏi… và giỏi cái gì sẽ được tạo điều kiện tối đa để phát huy khả năng đó, không nhất thiết cứ phải học lý thuyết giỏi, có điểm số cao mới là xuất sắc.
Với những giáo viên và nhiều người ủng hộ phương pháp giảng dạy truyền thống, họ lo lắng nếu không có kiểm tra đầu giờ thì học sinh sẽ không chịu học bài, rồi làm như vậy là quá nuông chiều học sinh. Nếu không có áp lực sao có thành công, việc trả bài đầu giờ còn rèn luyện khả năng đối đáp, ứng biến trước câu hỏi của thầy cô.
Không sai! Hiệu quả của kiểm tra đầu giờ có nhiều, nhưng tính đến hiệu quả sau cùng, học sinh có ghi nhớ kiến thức theo hướng tích cực hay không? Có hứng thú với nội dung ghi nhớ hay không? Có áp dụng được vào thực tế cuộc sống hay không? Thì câu trả lời lại bỏ ngỏ.
Nếu không có hiệu quả thực tế thì khi đã hoàn thành xong lượt kiểm tra bài cũ của mình, học sinh sẽ không học thuộc để trả lời nữa vì phần đối phó đã xong rồi. Chính sự lo lắng học sinh không tự giác đã là tâm lý thua cuộc rồi. Trẻ con ngã nên để tự đứng dậy, va phải bàn thì trẻ con là người có lỗi chứ không phải cái bàn mà “đánh chừa” cái bàn, cái bàn không có mắt, người mới có mắt. Tâm lý đổ thừa, trốn trách nhiệm bắt đầu từ chính cách giáo dục này.
Không thuộc bài là bị ghi sổ đầu bài, bị trừ điểm thi đua, đó chính là khởi nguồn của bệnh thành tích trong giáo dục. Học thuộc lòng để trả bài đầu giờ sẽ tạo lối tư duy khô cứng, thụ động, triệt tiêu sự sáng tạo (điều rất cần trong xã hội hiện đại). Phương pháp kiểm tra có thể làm bằng phương pháp khác tạo các nhóm làm việc để các em tự truy vấn kiến thức của nhau, tranh luận và câu hỏi thì giáo viên sẽ là trọng tài và nơi giải đáp thắc mắc.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tại sao giáo dục đào tạo ở các nước phát triển tư duy rất mở, rất thoáng mà hiệu quả rất cao. Nếu cứ đi mãi lối mòn mà lối mòn ấy cũng không dẫn đến thành công thì phải mạnh dạn để thay đổi.
Ý kiến trái chiều sẽ có, nhưng đừng “tiến thoái lưỡng nan”, quyết là phải theo, không “đẽo cày giữa đường”. Sự cả nể chiều lòng dư luận sẽ tiếp tục giữ chân cho nền giáo dục đào tạo Việt Nam. Cứ lối mòn đi mãi thì đến khi nào mới có sự dũng cảm để bứt phá, sáng tạo?
Mỗi kỳ thi học sinh lại vùi đầu vào giàn ý, đề cương, cày đi cày lại cho nhuyễn thuộc để rồi hoan hỉ khi thi trúng tủ điểm cao, hay vò đầu tiếc nuối khi đề thi không đúng hướng.
Thời gian ở Nhật, tôi hay vào thăm một trường tiểu học ở tỉnh Shizuoka. Vào lớp mà tôi giật mình, giờ học tiếng Anh mà học sinh em nằm, em ngồi trên sàn nhà, thầy giáo thì chơi với một nhóm nhỏ, thế nhưng tuyệt đối tất cả các câu hỏi và trò chơi đều dùng tiếng Anh, không dùng tiếng Nhật để giải thích, phải cố gắng lắng nghe để hiểu và khi câu chuyện kể hấp dẫn thì các em tự đánh thức nhau dậy nghe chuyện thầy kể rồi đưa nhận xét về câu chuyện. Học sinh ở Nhật không có kiểm tra đầu giờ, nhưng chỉ cần cái bút với cái bảng vừa vẽ vừa nói thì nhiều vấn đề phức tạp cũng được họ trình bày rất trôi chảy.
Phù hợp hay chưa, hiệu quả hay không, chưa ai có thể chắc chắn, nhưng dám đi, dám làm, đổi mới phương pháp giảng dạy của Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là đều cần hoan nghênh và ủng hộ. Nếu thành công sẽ xây dựng thành mô hình để nhân rộng. Nền giáo dục của Việt Nam cần lắm sự đổi mới bắt đầu từ những việc làm này.
Có thể bạn quan tâm
10:19, 10/09/2023
02:30, 07/09/2023
08:00, 05/09/2023
04:30, 05/09/2023