Hàng loạt sai phạm của Google và YouTube mới được công bố xuất phát từ nguyên nhân bộ lọc chưa thực sự hoạt động tốt. Vậy đâu là điểm yếu của bộ lọc này?
Theo Bộ TT&TT, YouTube và Google có 3 sai phạm lớn, bao gồm cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo. Không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense. Ba là cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với Youtube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước. Tiếp nối lần cung cấp hành vi sai phạm của Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố những sai phạm của Google và YouTube tại thị trường Việt Nam.
Trong khoảng 18 tháng qua, đã có khoảng 8.000 clip xấu độc được gỡ khỏi YouTube theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đáp ứng yêu cầu là 90%, thậm chí lên đến 95% trong 6 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, tình trạng clip xấu độc xuất hiện trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Qua rà soát của Bộ, số lượng video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật tại Việt Nam lên đến 55.000. Một lãnh đạo Cục PTTH & TTĐT cho rằng việc quét clip sai phạm trên YouTube chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) ba sai phạm chính của Google ở Việt Nam là cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo. Không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense. Ba là cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với Youtube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước.
Nguyên nhân của sự tồn tại hơn 55.000 video xấu độc là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Một điểm rõ ràng là cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.
YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Vụ việc ngay khi kênh YouTube của Khá Bảnh bị gỡ khỏi YouTube đã có hàng loạt tài khoản khác reup các clip của kênh và thu hút lượng người xem lớn là ví dụ rõ nét nhất.
Một giải pháp mà các chuyên gia từng khuyên YouTube nên áp dụng như Facebook. Theo các chuyên gia, công nghệ “băm điện tử” (digital hashing) nên được sử dụng tốt hơn để chặn việc đăng lại các video. YouTube nói rằng họ dùng công nghệ băm để ngăn chặn việc tải lên video bạo lực, không phù hợp nhưng với các video có chứa một phần trong clip gốc, họ phải dựa vào hệ thống báo cáo của người dùng.
Các mạng xã hội đang phụ thuộc ngày càng lớn vào trí tuệ nhân tạo (AI) để báo cáo nội dung bạo lực. Tuy nhiên, quy trình không ổn định do nhiều yêu tố, chẳng hạn số lượng nội dung được tải lên hàng ngày hay AI không thể hiểu được bối cảnh mà sự việc diễn ra. Facebook, Google và Twitter dùng công nghệ băm để chống lại nội dung bất hợp pháp như khiêu dâm trẻ em, vi phạm bản quyền và video đi ngược với điều khoản dịch vụ.