Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 8/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 220.725 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), dự kiến đến ngày 31/8/2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua KBNN là 210.780,5 tỷ đồng, bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn (KHV) kéo dài và KHV 2021 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 505.435,3 tỷ đồng), bằng 37,1% tổng nguồn vốn thuộc KHV kéo dài và KHV 2021 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 568.058,1 tỷ đồng).
Nguyên nhân giải ngân chậm
Theo Bộ Tài chính có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác động của dịch COVID– 19 từ đầu năm đến nay tại nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7/2021 đến nay và thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021 đến nay,... nên đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện, thi công các công trình.
Thứ hai, ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu (sắt, thép) tăng đột biến từ đầu năm đến nay cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Thứ ba, về phân bổ vốn đầu tư công thì việc chưa phân bổ hết số vốn NSNN năm 2021 được giao do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan do đặc thù của kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 triển khai khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến cuối tháng 7/2021 mới được Quốc hội thông qua, nên nhiều dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021.
Bên cạnh đó, kế hoạch vốn năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là (vốn Chương trình MTQG) là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước) do hiện nay các Chương trình mới đang trong giai đoạn lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, số kế hoạch vốn năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ chiếm 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nên cũng ảnh hưởng đến triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Thứ tư, đối với nguồn vốn nước ngoài: Sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, đặc biệt là song phương, thời gian thẩm định và phê duyệt tài liệu đấu thầu của nhà tài trợ chậm, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước.
Thứ năm, trong tháng 01/2021, thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2020 với số vốn khoảng 51.065,6 tỷ đồng và làm thủ tục kéo dài kế hoạch vốn năm 2020 sang năm 2021, hơn nữa, tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; nên các yếu tố đó cũng góp phần ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán kế hoạch vốn năm 2021.
Thực hiện đồng bộ và quyết liệt
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021 và đạt được mục tiêu: ”Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% -100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, trong đó đến hết quý III năm 2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NĐ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) kiến nghị môt số giải pháp.
Thứ nhất, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với (vốn thuộc Chương trình MTQG) để khẩn trương hoàn thành việc giao số vốn Chương trình MTQG kế hoạch năm 2021 là 16.000 tỷ đồng tới các chủ đầu tư, làm căn cứ triển khai thực hiện.
Thứ hai, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng và ước thực hiện hết tháng 8/2021, theo đó, các Bộ, ngành và địa phương còn số vốn đầu tư công chưa phân bổ là 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ nốt số kế hoạch vốn còn lại năm 2021 cho các chủ đầu tư làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục gửi Kho bạc làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn đầu tư; thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương để thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả...
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành để thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Theo đó, cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng làm không thực chất.
Ngoài ra, trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành phải được đề cao từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định.
Theo PGS., TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ giải ngân khá chậm, điều này có ý nghĩa không chỉ với tăng trưởng năm nay mà còn với các năm sau. Vì vậy, ông cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy mạnh các dự án đầu tư công trong những tháng cuối năm. Việc phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2021 cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy vậy, giải ngân một khối lượng vốn lớn (gần 60% kế hoạch vốn) trong thời gian ngắn cuối năm là nhiệm vụ nặng nề và có thể tiềm ẩn những rủi ro.
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một mặt Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm. Mặt khác, nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá. Bởi lẽ, điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát pháp luật: Những “nút thắt” trong Luật Đầu tư công 2019
04:20, 25/08/2021
Thủ tướng "thúc" tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021
09:00, 17/08/2021
"Căn bệnh" lãng phí: Đầu tư công sao cho hiệu quả?
11:10, 07/08/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 06/08: Đầu tư công sao cho hiệu quả?
04:52, 06/08/2021
Đầu tư công tác động mạnh mẽ đến cổ phiếu bất động sản
04:50, 06/08/2021
Giải bài toán “thiếu trước, hụt sau” trong đầu tư công
04:30, 03/08/2021
Tăng tốc đầu tư công: Nỗi lo đầu tư dàn trải
10:59, 26/07/2021
Giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông: Thách thức không nhỏ
04:00, 26/07/2021