"Căn bệnh" lãng phí: Đầu tư công sao cho hiệu quả?

Diendandoanhnghiep.vn Do nguồn lực đầu tư công từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, để tạo sức tăng trưởng và tạo đột phá thì cần huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách.

Đó là quan điểm của ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa ông, nguồn lực ngân sách còn hạn chế, tuy nhiên câu chuyện thất thoát, lãng phí trong đầu tư công thời gian qua vẫn khá nan giải?

Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ. Thất thoát, lãng phí diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Từ xác định chủ trương đầu tư, công trình đó đã thật sự cần thiết hay không, hoặc có những dự án cấp bách hơn nhưng lại không tập trung đầu tư mà tập trung vào những nơi không phát huy hiệu quả.

Đã có rất nhiều công trình đầu tư xong lại đem “đắp chiếu”, hoặc có đưa vào sử dụng nhưng cũng không mang lại hiệu quả.

Nguyên nhân xuất phát từ chủ trương đầu tư cho đến thất thoát trong quá trình thực hiện, như trích lại phần trăm, lại quả cho các bên đối tác... đây là một trong những vấn đề dư luận bức xúc và cần phải loại bỏ những hình thức tiêu cực này.

Hay thất thoát, lãng phí trong quá trình sử dụng sau đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng phát huy hiệu quả sau đầu tư... Tóm lại, cả quá trình đầu tư công trong mỗi công đoạn đều có khả năng xảy ra thất thoát, lãng phí.

 Tình hình giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021.p/Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tình hình giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Theo ông, giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề nan giải nêu trên?

Hiện nay chúng ta đang triển khai kế hoạch tài chính đầu tư công trung hạn. Đây là một danh mục đầu tư đã được lựa chọn là những công trình cấp bách để dẫn dắt đầu tư tư, dựa trên cơ sở liệt kê tất cả các đề xuất của các địa phương, các ngành, đơn vị để bố trí vốn. Trên cơ sở đó sẽ triển khai trình tự, thủ tục đầu tư, đấu thầu công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, để đấu thầu công khai thì các thủ tục lại bị kéo dài dẫn đến chậm tiến độ dự án. Thực chất đây cũng là một loại lãng phí, như không giải ngân được, chậm tiến độ, tiền có mà không phát huy hiệu quả công trình đầu tư. Thời gian tới phải khắc phục công đoạn này.

Công khai, minh bạch nhưng phải đi cùng rút ngắn thủ tục, quy trình không cần thiết, tăng trách nhiệm cá nhân. Thực tế hiện nay có một số người sợ trách nhiệm, không dám quyết đáp dẫn đến thủ tục bị kéo dài, khiến cho các dự án không thể triển khai. Ngoài ra, khâu giải phóng mặt bằng cũng rất đáng quan tâm. Hiện nay có rất nhiều dự án bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường khâu giám sát để triển khai thực hiện dự án. Các dự án phải được giám sát ngay từ đầu, đặc biệt cần phát huy vai trò của giám sát cộng đồng, cư dân và các đối tượng thụ hưởng.

- Vậy, làm thế nào để phân bổ và sử dụng nguồn lực cho các dự án đầu tư công thực sự hiệu quả, thưa ông?

Nguồn lực đầu tư công phải hướng đến những dự án trọng điểm nhằm tạo động lực thúc đẩy đầu tư tư. Trong đó có chương trình hợp tác đầu tư theo phương thức PPP.

Đầu tư công phải phối hợp với đầu tư tư, trên cơ sở các nguồn lực đầu tư công đưa ra sẽ thu hút đầu tư tư. Ví dụ, nếu một đoạn đường để dành cho đầu tư tư toàn bộ thì các nhà đầu tư tư sẽ không có hiệu quả.

Nên đầu tư công có thể hỗ trợ một phần hoặc một số công đoạn, như giải phóng mặt bằng, hoặc đầu tư công trong dự án đó với tỉ trọng từ 20- 50% tùy từng loại công trình, để hấp dẫn cho các nhà đầu tư tư tham gia vào phần còn lại của dự án.

Như vậy, sẽ tạo cơ chế đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và thu hút nguồn lực đầu tư tư để huy động các nguồn lực một cách tối đa nhất cho tăng trưởng, phát triển. Đây là một trong những chủ trương trong thời gian tới đây mà đầu tư công phải hướng tới.

Muốn biết phân bổ và sử dụng nguồn lực sao cho thật hiệu quả thì vẫn chưa có tiêu chí hay thước đo rõ ràng, mà chủ yếu dựa trên thước đo chỉ số ICOR. Đơn cử, công trình này đầu tư hiệu quả như thế nào, có cần thiết hay không thì cũng rất khó xác định.

Do đó, theo quan điểm của tôi để các dự án đầu tư có hiệu quả thì quy trình thủ tục phải tuân thủ chặt chẽ, triển khai dự án khách quan, công khai, minh bạch. Đến khi đó sẽ có nhiều ý kiến phản biện thì mới xác định được dự án nào là cần thiết, dự án nào đáng đầu tư, dự án nào nên lùi lại.

- Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:

Các đại biểu Quốc hội đi giám sát thực tế các dự án đầu tư công thấy rất đau lòng. Bởi vì, tình trạng công trình dở dang khắp nơi, gây nên lãng phí vì tiền ngân sách nhà nước khi dự án không đưa vào sử dụng mà tiền thì cứ đọng trong ngân khố, không tiêu được. Các cơ quan của Chính phủ cần phải ngồi lại với nhau để mổ xẻ cho rõ nguyên nhân vì sao? Chậm giải ngân cũng là lãng phí. Thời gian qua có tình trạng, Chính phủ càng đốc thúc lại càng chậm hơn?

Ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư xây dựng, Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam:

Tham nhũng, rút ruột công trình nếu không có giải pháp hữu hiệu sẽ phá hoại ngầm giá trị của xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền. Để giải quyết vấn đề này trước tiên cần nâng cao trách nhiệm của người có quyền quyết định đầu tư sẽ giảm được tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng và chậm tiến độ trong đầu tư công. Thực hiện tốt cơ chế phân bổ vốn đầu tư theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, công khai, minh bạch.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Căn bệnh" lãng phí: Đầu tư công sao cho hiệu quả? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713519092 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713519092 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10