Ngày 19/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình Chính phủ dự án Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ (LPTB) đối với xe ô tô sản xuất trong nước, đến hết ngày 31/12/2020.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, căn cứ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn.
Dự án Nghị định này đã được gửi lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; gửi lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính (công văn số 6797/BTC-CST ngày 5/6/2020 của Bộ Tài chính). Đồng thời, dự án đã được gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương để đánh giá tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên (công văn số 6796/BTC-CST ngày 5/6/2020 của Bộ Tài chính).
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 47 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 27 ý kiến tham gia của các địa phương; 6 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị định (40/47 ý kiến nhất trí hoàn toàn).
Ngày 15/6/2020, Bộ Tài chính có Công văn số 7164/BTC-CST gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Ngày 19/6/2020, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 127/BCTĐ-BTP về dự án Nghị định. Bộ Tài chính đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện và trình Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giải pháp góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng, từ đó góp phần tác động đến tâm lý khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau dịch. Khoản tiết kiệm này không chỉ góp phần kích thích tiêu dùng sản phẩm ô tô mà còn khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác hoặc các nhu cầu đầu tư của người dân. Khoản tiết kiệm này không chỉ góp phần kích thích tiêu dùng sản phẩm ô tô mà còn khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác hoặc các nhu cầu đầu tư của người dân.
Đối với nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% LPTB đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.
Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, phấn đấu đạt tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm