Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là "cơ hội vàng" cho Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp với quốc tế.
Chủ trì họp báo Chính phủ tháng 2/2019, Bộ trưởng cho biết, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay (1/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt đánh giá, công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội trong thời gian rất gấp nhưng được thực hiện rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
“Chúng ta đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho thế giới chứ không riêng hai nước Mỹ - Triều Tiên. Khi chúng tôi lên Đồng Đăng người dân đã tự tháo dỡ rào, bạt mà chính quyền không cần cưỡng chế. Sự tham gia của người dân đón tiếp khách bằng sự hân hoan, nồng nhiệt chào đón, đây là điều rất tốt trong lễ tân ngoại giao”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo đó, vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên cũng như dư luận xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc Việt Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho Hội nghị đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thể hiện thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, là dịp tạo bước tiến mới trong quan hệ với Hoa Kỳ và Triều Tiên.
Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Giới thiệu có hiệu quả về đất nước Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách.
Mặc dù hai bên chưa ký được thỏa thuận, nhưng đây là dịp hướng tới kết quả tích cực trong tương lai, trong việc thúc đẩy hòa bình tại bán đảo Triều Tiên, đóng góp tích cực cho hoà bình phát triển khu vực.
“Các hoạt động song phương đã được diễn ra trong thời gian Hội nghị Thượng đỉnh, chúng ta đã chứng kiến 21 tỷ USD ký kết của các tập đoàn trong nước với tập đoàn của Mỹ, Tổng thống Donald Trump vẫn nhấn mạnh rất cảm ơn Việt Nam, những điều Tổng thống Mỹ có được trong thời gian ở Việt Nam là trên mức tuyệt vời”, Bộ trưởng chia sẻ.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá có nhiều mặt tích cực. Kinh tế vĩ mô, giá cả ổn định.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 13,7%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%).
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%.
“Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số doanh nghiệp, do một trong những nguyên nhân chính là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài tới 09 ngày”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Cùng với đó, số vốn đăng ký tăng 25,4% so với cùng kỳ. Có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ. “Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều được xem là cơ hội vàng cho du lịch thu hút lượng lớn khách quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước con người Hà Nội, con người Việt Nam”, Bộ trưởng đánh giá.
Những thành tựu đạt được của năm 2018 và tiếp tục phát triển ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019 là rất phấn khởi, nhiều chỉ tiêu vượt.
Có thể bạn quan tâm
18:00, 28/02/2019
17:13, 28/02/2019
15:35, 28/02/2019
14:06, 28/02/2019
13:00, 28/02/2019
13:00, 28/02/2019
11:20, 28/02/2019
10:46, 28/02/2019
10:20, 28/02/2019
08:35, 28/02/2019
Cơ chế thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân
Tuy nhiên, nhưng nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Ví dụ như vấn đề năng suất lao động, sự cạnh tranh và sức chống chịu nền kinh tế chưa cao.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề, do nghỉ Tết dài ngày và do chu kỳ sản xuất kinh doanh của một số sản phẩm đang trong quá trình thay đổi.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 6 địa phương, Thủ tướng yêu cầu có chính sách hỗ trợ kịp thời và đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
“Cũng trong 2 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như linh kiện điện thoại, rau củ quả, cà phê, gạo, hạt điều, tiêu…đều giảm giá trị xuất khẩu, đây là điều cần chú ý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, vấn đề giá lúa đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp. Do đó, yêu cầu xây dựng bám sát kịch bản tăng trưởng có điều hành phù hợp.
“Thủ tướng nêu rõ tinh thần phải vượt kế hoạch trong năm 2019, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 01, 02 trong tháng 3 để quý I/2019 đạt kết quả toàn diện như mong muốn trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi”, Bộ trưởng cho biết đó là mục tiêu yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp sáng nay.
Trong đó đặc biệt, yêu cầu các Bộ cắt bỏ điều kiện kinh doanh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có cơ chế thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.