Nhiều chuyên gia cho rằng việc hợp tác với nhóm Bộ tứ (QUAD) sẽ mang lại cho ASEAN nhiều nguồn lực hơn.
>> QUAD tìm cách thay đổi "cán cân" tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
Trong những năm gần đây, các thành viên QUAD – Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ – đều tăng cường hợp tác và quan hệ với các nước ASEAN. Vào tháng 9 vừa qua, Nhật Bản đã trở thành nước cuối cùng trong Bộ tứ nâng cấp mối quan hệ với ASEAN lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời từng nước của Bộ Tứ cũng đã tổ chức cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo ASEAN.
Ngay cả Ấn Độ, quốc gia có mối liên hệ thể chế ít nhất với các chính phủ Đông Nam Á, cũng đã tăng cường các nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Narendra Modi. Vào tháng 5, New Delhi đã tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung với ASEAN ở Biển Đông.
Bộ Tứ thường khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đã tìm cách điều chỉnh các nỗ lực của mình phù hợp với Tuyên bố Quan điểm của ASEAN về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các chuyên gia nhận định, bây giờ là thời điểm thích hợp để xây dựng các kết nối thể chế của khối với khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Bharat Sharma, chuyên gia phân tích thuộc Chương trình nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Viện Takshashila, việc đạt được sự hợp tác có ý nghĩa với Đông Nam Á và tạo ra tác động lớn trong khu vực sẽ phụ thuộc vào việc Quad sẽ đảm bảo các mục tiêu của nhóm bổ sung cho các mục tiêu của ASEAN thay vì lấn át chúng.
>> Bộ tứ kim cương QUAD: Cần cứng rắn hơn!
"Việc hợp tác chặt chẽ hơn với Quad cũng sẽ có giá trị lớn đối với ASEAN. Trong bối cảnh lo ngại về sự mất đoàn kết và chia rẽ trong nội bộ, tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài có thể giúp tiếp thêm nguồn năng lượng mới", ông Sharma nói.
Với quan điểm của ASEAN về việc duy trì tính trung lập và tránh đứng về bên nào, hình ảnh Bộ tứ như một công cụ do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự hợp tác giữa các nhóm.
Những lo ngại của Ấn Độ đối với các liên minh quân sự chắc chắn sẽ hạn chế các động thái của Bộ Tứ trong hợp tác liên quan đến lĩnh vực tác chiến. Bên cạnh đó, khác biệt trong nhận thức về vấn đề Trung Quốc cũng có thể là một trở ngại.
Để tránh những hiểu lầm tiềm ẩn, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tứ cần trấn an ASEAN về kế hoạch và mục tiêu của mình, đồng thời duy trì đối thoại về cách các sự kiện địa chính trị tác động đến việc xây dựng chiến lược của khối. Về cơ bản, các liên kết lợi ích giữa ASEAN và Bộ Tứ đã được hình thành, đặc biệt trong bối cảnh các nước tăng cường hợp tác với khu vực về các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và y tế.
Trong một cuộc khảo sát thường niên với các học giả, doanh nhân, quan chức và nhà hoạt động Đông Nam Á do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak thực hiện từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023, đa số người được hỏi đồng ý rằng việc tăng cường hợp tác với Bộ tứ sẽ góp phần xây dựng khu vực. Chỉ 13,9% cho rằng Quad sẽ "làm suy yếu tính trung tâm của ASEAN và cạnh tranh với các cơ chế do ASEAN lãnh đạo".
Một số ý kiến cho rằng, an ninh hàng hải dường như là một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho hợp tác cấp thể chế giữa QUAD và ASEAN. Với việc Bộ tứ đang tìm cách tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương, an ninh hàng hải có thể mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn với ASEAN.
Một cơ chế liên khối rõ ràng sẽ cho phép chuyên môn hóa và xây dựng khả năng tương tác giữa hai nhóm. Ví dụ, hai bên có thể tập trung vào các nỗ lực chống khủng bố xung quanh các điểm huyết mạch ở Đông Nam Á như eo biển Malacca. Điều quan trọng là hai bên thiết lập được các khuôn khổ để có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn và vạch ra các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Đẩy mạnh hợp tác là vì lợi ích của cả Quad và ASEAN. Hợp tác có thể mở ra những cách thức mới để cung cấp thêm hàng hóa ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Có thể bạn quan tâm