Chúng ta đã từng chờ đợi, hy vọng về giáo dục Việt Nam nhiều và quá lâu rồi. Thời gian cứ trôi qua, thực tế của nền giáo dục nước nhà vẫn là chờ đợi, hy vọng.
Trong khi đó thế giới bên ngoài, nền giáo dục của các nước khác không chờ đợi chúng ta bắt kịp mà họ cứ tiến vù vù về khoảng cách, hình thức, chất lượng giáo dục.
>>Tiếng Việt giữa “làn ranh” hội nhập
Cái yếu nhất, kém nhất của chúng ta đó là sự sáng tạo, số lượng những phát minh góp phần thúc đẩy khoa học, kĩ thuật cho đến âm nhạc, văn học, nghệ thuật chúng ta đều quá ít so với thế giới. Điều đó phản ánh sức ỳ của giáo dục. Một trong những thứ tạo nên sức ỳ ấy chính là các bài “văn mẫu” trong chương trình đào tạo.
Thế nên khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội có những câu nói làm tôi rất tâm đắc, đại ý là:
- Chúng ta thì test COVID-19 còn COVID-19 thì test lại cả hệ thống chúng ta.
- Học sinh, sinh viên ngừng đến lớp chứ không ngừng học tập, rèn luyện.
- Ngoại ngữ là tối quan trọng nhưng trước hết phải giỏi tiếng Việt trước đã.
Cách trả lời gọn gàng, đúng trọng tâm câu hỏi, không “ôn nghèo, kể khổ” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cho tôi tin vào sự thay đổi của nền giáo dục trong tương lai gần.
Rõ ràng quan điểm của ông là sẽ bỏ lối giáo dục lối mòn “thầy đọc, trò chép” và sẽ hướng giáo dục theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực của học sinh mà điểm đột phá đó là bỏ các bài “văn mẫu”.
Bài học từ lịch sử cho chúng ta hiểu được một điều, khi toàn bộ nguồn thông tin và kiến thức của học sinh ngày trước chỉ gói gọn trong bộ sách giáo khoa, thư viện trường thì nghèo nàn, phòng thí nghiệm, thử nghiệm nói thật chỉ gọi là có cho đủ; thì cách tiếp cận và truyền đạt kiến thức theo lối từ các cụ thời phong kiến vẫn có vai trò trong công tác giảng dạy.
Thầy thì ngâm nga, trò thì ê a, hệ quả là hàng trăm năm chiếc dậm vẫn nguyên hình mây và tre; chiếc đơm, chiếc đó vẫn nguyên hình tre và mây, không hề có chút cải tiến hay thay đổi nào hết. Thầy thì khư khư giữ hình ảnh “nhà nho thanh bần, thanh bạch”, chịu nghèo, chịu khổ chứ không làm những công việc mà bị coi là thấp kém để cải thiện kinh tế. Trò thì sao chép hình ảnh, kiến thức, tư tưởng của thầy rập khuôn trong các sách mẫu “văn mẫu”.
Mọi thứ khi chệch khỏi "khuôn vàng thước ngọc” đều bị coi là lệch lạc, sai trái cần phải nắn chỉnh lại.
>>Đại dịch "thách thức" ngành giáo dục
Thời đại nay đã khác. Nhịp độ, tốc độ của cuộc sống thay đổi từng phút, khoa học công nghệ, kĩ thuật tiến bộ từng giây. Nếu không thay đổi cho phù hợp thì chúng ta giống như vừa chạy ma ra tông với nền giáo dục các nước, vừa mặc áo dài, khăn đóng, tay bút tay nghiên, mồm thì lẩm nhẩm lời thầy dặn.
Bỏ “văn mẫu” là chủ trương cực kỳ đúng đắn. Văn làm gì có mẫu, chỉ có bố cục, phương pháp làm thành bài văn, loại văn là có công thức, còn lại văn là sao chép phản ánh thực tế cuộc sống qua góc nhìn và cảm nhận của học sinh.
Một học sinh ở thành phố làm sao tả được cảm giác khi cưỡi trên lưng trâu ngẩng đầu nghe tiếng sáo diều vi va vi vút. Một cô bé ở vùng rừng núi xa xôi sao có thể viết về một bữa tiệc Giáng sinh lấp lánh đèn màu nơi một sảnh đường sang trọng…
Người ta chỉ có thể viết hay khi người ta được hòa mình vào thực tiễn, được sống trong khung cảnh, được hít thở bầu không khí mang đậm văn của môi trường mình đang sống thì văn mới hay, mới ngọt được.
Sáng tạo trong văn học có sức mạnh lôi cuốn theo sức sáng tạo về tư duy, logic, kích thích trí tưởng tượng, chắp cánh những ước mơ. Và sẽ phát sinh nhu cầu biến ước mơ ấy thành hiện thực, sẽ trở thành mắt xích quan trọng cho việc khởi nguồn những sáng tạo, phát minh.
Bỏ “văn mẫu” sẽ làm cho học sinh không chán, không ngại việc học văn, khi giờ viết văn sẽ là giờ được bay trên trang viết những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Thầy cô dạy cũng không thấy đơn điệu, nhàm chán mà sẽ thấy thích thú với những suy nghĩ mới mẻ, độc đáo, sáng tạo của học sinh.
“Hậu sinh khả úy”. Lớp trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại, nếu đi đúng phương pháp có hệ thống thì chắc chắn lớp trẻ sẽ phát huy được tài năng.
Đừng luyện những con gà nòi, “thợ làm toán” đi thi lấy giải cho một nhóm nhỏ, số ít… Phải mạnh dạn xây dựng kế hoạch rồi thực hiện để sau này các nước sẽ phải xây dựng giáo trình đào tạo có những phát minh, sáng tạo “made in Việt Nam”.
Để xây dựng đất nước ta “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, để chúng ta có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, thì giáo dục đào tạo phải là ngành “đứng mũi, chịu sào”, “vì lợi ích trăm năm” của dân tộc, như mong mỏi của bác Hồ kính yêu.
Có thể bạn quan tâm
15:05, 20/11/2021
13:05, 20/11/2021
12:50, 20/11/2021
04:30, 20/11/2021
04:30, 20/11/2021
04:00, 20/11/2021