Giá hàng hóa xuất xưởng tiếp tục giảm cho thấy những khó khăn của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại giảm phát.
Dữ liệu mới nhất cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 0,4% vào tháng 9.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 2,9% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp. Đây là mức giảm mạnh hơn so với tháng trước (2,8%) và tệ hơn mức dự đoán giảm 2,6% của các nhà kinh tế.
Mức lạm phát nhẹ cho thấy Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn khơi dậy niềm tin của khu vực tư nhân và đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi tình trạng giảm phát hiện nay.
“Áp lực giảm phát vẫn rõ ràng ở Trung Quốc,” ông Zhiwei Zhang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, bình luận về dữ liệu lạm phát.
Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã ở mức âm trong 6 quý liên tiếp. Điều này làm dấy lên lo ngại trong giới kinh tế rằng Trung Quốc có thể đi vào con đường chính sách sai lầm giống như Nhật Bản trong những năm 1990, khi việc thiếu hỗ trợ chính sách sau khi bong bóng tài sản vỡ dẫn đến một thời kỳ trì trệ kéo dài.
Dữ liệu mới đưa ra trong lúc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định sau khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ cuối tháng 9 nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Các nhà kinh tế nhìn chung hoan nghênh các nỗ lực gần đây về tiền tệ và nới lỏng thị trường bất động sản, nhưng họ cho rằng việc tăng cường kích thích tài khóa là quan trọng hơn để bù đắp cho sự thiếu sẵn sàng chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Hiện tại, Bắc Kinh dường như đang áp dụng chiến lược giảm rủi ro thay vì kích thích tăng trưởng, khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, có thể dẫn đến việc tăng thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu - một trụ cột tăng trưởng quan trọng của Trung Quốc.
Ngày 8/11, các nhà lập pháp Trung Quốc đã phê duyệt một chương trình trị giá tương đương 1,4 nghìn tỷ USD để tái cấp vốn cho chính quyền địa phương trong 5 năm tới. Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng chương trình hoán đổi nợ này không nên được coi là kích thích vì nó không tăng thêm khoản vay của chính phủ.
Tờ WSJ cho rằng nhiều nhà đầu tư cũng thêm thất vọng khi cơ quan lập pháp Trung Quốc đã không công bố các biện pháp kích thích nào, mặc dù dự kiến sẽ có phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt để bổ sung vốn cho các ngân hàng Trung Quốc và hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết rằng các nỗ lực đang được triển khai trong những lĩnh vực này, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
“Thị trường đang nóng lòng chờ đợi chi tiết về khả năng kích thích tài khóa,” ông Zhang cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng quy mô và cấu trúc của các biện pháp kích thích đều quan trọng. "Kích thích nhắm vào tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và tránh làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất," ông nói.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh ngần ngại thực hiện kích thích táo bạo hơn, theo các nhà kinh tế, là các quan chức đã trở nên lạc quan hơn về dấu hiệu ổn định sau những động thái chính sách trước đó.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết trong một bài phát biểu tuần này rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% trong năm nay. Ông nói rằng nền kinh tế "vẫn có những nền tảng vững chắc" sau phản ứng tích cực đối với các biện pháp kích thích của Bắc Kinh được thực hiện vào cuối tháng 9.
Các khảo sát tư nhân cho thấy các nhà phát triển bất động sản lớn nhất của nước này ghi nhận tăng trưởng về doanh số bán nhà mới trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chỉ số của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở Trung Quốc đều cho thấy hoạt động mở rộng.