Phân tích - Bình luận

Thử thách cuối cùng với kinh tế Trung Quốc

Trương Khắc Trà 28/09/2024 04:00

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Trung Quốc khó lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim cách đây 5 năm.

5c19004adde86708f874c4ec.jpg
Ông Tập Cận Bình đưa ra chỉ đạo phải nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm của thị trường bất động sản (Ảnh: AP)

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang huy động nhiều biện pháp “cứng” và “mềm” để thúc đẩy nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thập kỷ trước. Điều đó phần nào cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị trói buộc bởi sợi dây do chính mình tạo ra.

Ví dụ, nước này từng chủ động “hãm phanh” lĩnh vực bất động sản nhằm uốn nắn lĩnh vực chiếm gần 30% GDP phát triển lành mạnh. Nhưng thực tế cho thấy, quá trình thanh lọc không hề tuân theo ý chí chủ quan của chính phủ.

Một số công ty lớn như Evergrande, Country Garden phá sản, kéo theo toàn bộ hệ sinh thái cùng chững lại. Thị trường bất động sản Trung Quốc khó khăn đến mức 50 doanh nghiệp “con cưng” được bơm vốn giải cứu, nhưng không thể tạo ra thanh khoản.

Hồi đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp tối cao trong nội bộ Đảng và đưa ra chỉ đạo “phải nỗ lực để ngăn chặn sự suy giảm của thị trường bất động sản và thúc đẩy sự phục hồi ổn định”.

Như vậy, nhiệm vụ vực dậy bất động sản không đơn thuần là công việc của bộ máy thừa hành, gồm chính phủ của ông Lý Cường và các bộ, ngành, địa phương. Có nghĩa rằng, sự suy thoái có vẻ như đang phá hỏng đường lối kinh tế của Trung Quốc.

Bắc Kinh kêu gọi cắt giảm nguồn cung nhà ở, tạo điều kiện tối đa cho người dân mua nhà, đồng thời tăng các khoản vay, giảm lãi suất cho doanh nghiệp trong “danh sách trắng”. Song, nhu cầu tiêu dùng, mua nhà tại Trung Quốc đặt ra dấu hỏi lớn.

Do vậy, các nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo đầu năm nay rằng, các biện pháp kích thích tài khóa đang mất dần hiệu quả ở Trung Quốc và giống một chiến lược “câu giờ” để kéo dài thời gian cho các mục tiêu dài hạn hơn.

Tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc đã chậm lại, làm dấy lên lo ngại về việc liệu nước này có thể đạt được mục tiêu GDP cả năm khoảng 5% mà không cần thêm biện pháp kích thích hay không?

uzliussvqv6fopqdofra_harbinchinasmog_121226.jpg
Kinh tế Trung Quốc khó trở lại thời kỳ hoàng kim (Ảnh: wilsonquarterly)

Chính phủ Trung Quốc sẽ phát tiền cho người dân yếu thế trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh sắp tới, nhằm mục đích tạo điều kiện chi tiêu, kích thích nhu cầu. Nhưng theo các chuyên gia, biện pháp này không thực sự khả quan. Bởi vì việc phát tiền ngân sách cho người dân chi tiêu không giúp nền kinh tế tạo ra giá trị mới, cùng lắm chỉ tạo ra những con số tăng trưởng tiêu dùng bề mặt. Nguồn gốc sâu xa là tâm lý lo sợ khủng hoảng, thiếu việc làm và nợ gia đình.

Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp của những người dân Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi tăng lên trong vài tháng gần đây, trong tháng 9 là 18,8% so với 17,1% vào tháng 7 và 13,2% vào tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mọi nhóm tuổi đã tăng 5,3% vào tháng 8, so với mức tăng 5,2% vào tháng 7.

Kinh tế trì trệ là nguyên nhân khiến nhu cầu tuyển dụng chậm lại, kéo theo doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Các chuyên gia kinh tế phương Tây cùng chung nhận định rằng Trung Quốc khó tái hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8% như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thử thách cuối cùng với kinh tế Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO