Kinh tế thế giới

Chi tiết gói kích thích kinh tế Trung Quốc ra mắt vào tháng 11?

Nam Trần 26/10/2024 03:04

Trung Quốc vừa ấn định các ngày họp quan trọng làm dấy lên kỳ vọng về các biện pháp kích thích thị trường một cách cụ thể hơn.

screenshot-2024-10-01-093839.png
Triển vọng về các gói kích thích kinh tế giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc bùng nổ (Ảnh: FT)

Ngóng chờ các gói kích thích

Từ ngày 4 tới ngày 8 tháng 11 sẽ được Trung Quốc ấn định là thời điểm diễn ra các cuộc họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc – nơi thị trường kỳ vọng các nhà lập pháp hàng đầu nước này sẽ công bố thêm các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trượt dốc, hãng thông tấn Tân Hoa Xã vừa cho biết.

Cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc sẽ có quyền phê duyệt các gói kích thích kinh tế vốn được mong chờ sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 5%, nhất là sau khi thị trường đã trải qua những kỳ vọng xen lẫn thất vọng trước quy mô và chi tiết gói hỗ trợ mà các quan chức Trung Quốc hứa hẹn.

Hồi đầu tháng 10, cam kết của Bộ Chính trị Trung Quốc về triển khai các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trên diện rộng để hỗ trợ nền kinh tế đã giúp các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc tăng mạnh lần đầu tiên sau hơn 3 năm rưỡi sụt giảm trước nguy cơ kinh tế suy yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Tuy nhiên, ước tính về quy mô của gói kích thích kinh tế còn khác nhau và có sự bất định lớn về các biện pháp cụ thể cũng như kế hoạch triển khai khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.

Sau cú tăng mạnh, cổ phiếu ở các thị trường chính của Trung Quốc lao dốc sau khi cuộc họp báo hôm 08/10 của các cơ quan hoạch định kinh tế chính của nước này kết thúc mà không có chi tiết nào về quy mô và phạm vi của bất kỳ biện pháp nào của chính phủ.

Trong tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An chỉ gợi ý một "khả năng khá lớn" để tăng chi tiêu, đồng thời cam kết các biện pháp mạnh mẽ nhất trong nhiều năm để giải quyết khoản nợ của các chính quyền địa phương, hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn và tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn—giải quyết một số thách thức khó khăn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư đã phải chuyển trạng thái từ “hưng phấn” sang trạng thái chờ đợi những hành động cụ thể cũng như các gói kích thích rõ ràng hơn để vực dậy nền kinh tế vốn đang loay hoay giữa vấn đề nợ công địa phương, vốn ngân hàng và cuộc khủng hoảng bất động sản sâu sắc.

China real estate MarketWatch
Thị trường đang chờ tới kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 11 để biết được chi tiết các chính sách hỗ trợ (Ảnh: MarketWatch)

Giải nguy bất động sản là ưu tiên

Dù không đưa ra bất kỳ con số cụ thể nào cho gói kích thích kinh tế, Bộ Tài chính Trung Quốc đã đề cập đến một loạt thách thức mà họ đang tập trung giải quyết, đặc biệt là tình trạng hỗn loạn của thị trường bất động sản.

Ngày 17/10, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đã tung ra gói kích thích nhằm thúc đẩy ngành bất động sản trì trệ. Tuy nhiên, chúng được cho vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về hỗ trợ thanh khoản cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Phát triển Nông thôn Ni Hong cho biết 4 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 550 tỷ USD, sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay vào cuối năm 2024 cho các dự án nhà ở trong "danh sách trắng" của chính phủ, đồng thời kêu gọi các ngân hàng cho vay với nhiều dự án nhất có thể. Các dự án trong danh sách này đủ điều kiện nhận tài trợ từ chính phủ để hoàn thành các căn hộ chưa hoàn thiện và đảm bảo việc bàn giao cho người mua.

Tuy nhiên, thị trường phản ứng yếu trước thông tin này, vì các biện pháp chưa đạt mức độ mong đợi. Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc dẫn đầu đà giảm tại các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, với Vanke Trung Quốc giảm 7,9% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 6,7% vào thứ Năm tuần này.

Zerlina Zeng, Giám đốc cấp cao tại CreditSights, nhận xét rằng mở rộng “danh sách trắng” và tăng hạn mức cho vay là những động thái khích lệ nhưng không đủ để cung cấp nguồn vốn bổ sung cho lĩnh vực bất động sản hoặc kích thích nhu cầu mua nhà, vì các khoản vay chỉ dùng để hoàn thiện các căn hộ bán trước, chứ không giải quyết được tình trạng dư thừa bất động sản.

Bà Zeng cho rằng khả năng cấp thêm vay từ ngân hàng có thể gặp trở ngại do rủi ro tín dụng, và dự án tái phát triển lần này quy mô nhỏ hơn so với giai đoạn 2015-2018, nên sẽ mất nhiều thời gian để triển khai.

Ông Ni Hong cho biết các ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính như trước đây, và các chính quyền địa phương có thể phát hành trái phiếu để tài trợ cho việc tái phát triển. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đang xem xét cho phép các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại cấp vốn cho các nhà phát triển để mua đất, dự kiến sử dụng công cụ tái cấp vốn cho các khoản vay này.

Sau gói kích thích lớn vào tháng 9, doanh số bán nhà mới của Trung Quốc tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tuần từ 8 đến 16 tháng 10, nhưng các nhà kinh tế của Macquarie cho rằng động lực này có thể không bền vững. Goldman Sachs nhận định sẽ không có giải pháp nhanh chóng cho sự suy thoái bất động sản do các thách thức cấu trúc và quy mô hạn chế của chính sách kích thích.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách đi đúng hướng với các biện pháp kích thích, các nhà phân tích vẫn chờ đợi thêm chi tiết, nhất là về hạn mức vay bổ sung mà ngân hàng trung ương sẽ công bố cho năm 2025, sau khi đã đặt mức cho vay 500 tỷ nhân dân tệ cho năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chi tiết gói kích thích kinh tế Trung Quốc ra mắt vào tháng 11?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO