Câu chuyện về các dự án BOT khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua có nguyên nhân quan trọng đến từ việc người dân không được cung cấp thông tin đầy đủ.
Từ một vụ cướp lấy đi 2,2 tỷ đồng ở trạm thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Dây, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi mỗi ngày đơn vị này thực sự thu về bao nhiêu? Có đúng như con số mà doanh nghiệp đang báo cáo cơ quan chức năng?
Có thể bạn quan tâm
17:16, 19/02/2019
05:16, 19/02/2019
Nhưng còn nhiều câu hỏi khác ở phía sau ba chữ BOT, mà nếu - công khai minh bạch ngay từ đầu thì không có chuyện người dân nhìn những con đường gắn bảng BOT bằng con mắt nghi ngại.
Xin bắt đầu bằng loạt lùm xùm hồi giữa năm ngoái, với mấy câu hỏi: Vì sao xuất hiện BOT ở nhiều nơi mà sau này bị kết luận là bất hợp lý về địa điểm? Xin dẫn chứng, ngày 10/4/2018 Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 136/TB-VPCP giao Bộ GTVT báo cáo, đánh giá cụ thể đối với các trạm BOT. Sau đó, Bộ GTVT đã gửi một báo cáo lên Thủ tướng thừa nhận có 17 trạm BOT bất cập về vị trí!
Vì sao có thực trạng tréo ngoe “đầu tư một nơi thu phí một nẻo”? Chính Bộ GTVT thừa nhận, sau khi rà soát cho thấy việc đặt trạm trên cao tốc La Sơn - Túy Loan như hiện tại, đối chiếu với quy định hiện hành thì “đầu tư một nơi, thu giá một nẻo” và thu giá trên tuyến đầu tư theo hình thức BT là không hợp lý.
Vì sao tuyến đường huyết mạch “có sẵn” như quốc lộ 1A bị phân đoạn giao cho nhà đầu tư sửa sang lại và tiến hành thu phí? Lẽ ra, BOT chỉ xuất hiện ở những nơi mà nhà đầu tư khai phá, làm tuyến đường mới, thế mới xứng đáng gọi là ích nước lợi dân.
Vì sao để dư luận nghi ngờ về số tiền thu mỗi ngày tại tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Dây? Nếu như đơn vị này triển khai hình thức thu phí tự động, hay còn gọi là “thu phí không dừng”, thì mọi giao dịch được kiểm soát?
Ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Từ ngày 27/2/2018, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã phát đi thông điệp quyết tâm đến cuối năm 2018, tất cả các trạm BOT đều phải ứng dụng công nghệ thu phí không dừng. Các nhà đầu tư chậm trễ sẽ bị kiến nghị dừng thu phí!
Nhưng tất cả chỉ là trên lý thuyết. Phải chăng các chủ đầu tư sợ phải minh bạch? Nếu công khai rõ ràng thì họ không thể mập mờ số thu, dư luận sẽ biết chính xác đến khi nào hoàn vốn, tức là không còn cơ hội tăng phí, kéo dài thời gian thu!?
Rất nhiều chuyện liên quan đến BOT chủ yếu do người dân và báo chí phát hiện ra, ở đây cũng phải dành một câu hỏi rất nghiêm túc cho các cơ quan hữu quan. Phải chăng “lợi ích nhóm” đã bao trùm?
Và, nên chăng cần cơ chế tăng quyền giám sát cho người dân, tức là phải công khai hợp đồng dự án, BT, BOT, nhất là nguồn thu, thời hạn thu đên khi nào…
Câu chuyện về các dự án BOT khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua có nguyên nhân quan trọng đến từ việc người dân không được cung cấp thông tin đầy đủ về dự án, không có cơ sở để biết mức phí phải trả có đáng đồng tiền bát gạo hay không.
Một thực trạng đáng buồn là người dân trực tiếp móc hầu bao chi phí, nhưng chính họ cũng không được giải thích vì sao chỗ này cần đặt trạm, chỗ kia không có, mức phí tính toán ra sao, dựa trên cơ sở nào…?
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, Bùi Danh Liên từng bất bình đặt câu hỏi: “Hợp đồng BOT một bên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký, một bên là doanh nghiệp ký, bên ngoài không đóng dấu mật, tại sao lại có điều khoản bảo mật?”.
Để rồi khi một con đường có vẻ mới, một trạm thu phí án ngữ trên đó chắc như đinh đóng cột, rất khó nhổ bỏ. Không chừng, doanh nghiệp quay lại kiện chính quyền, cũng vì những thỏa thuận… thiếu ánh sáng.
Mô hình hợp tác công tư (PPP) là chủ trương lớn của nhà nước nhằm xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng. Mục đích cuối cùng là phục phụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, nên nó phải làm thế nào để được nhìn nhận bằng thái độ thiện chí hơn.