Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ sau khi Huawei bị cấm tại Mỹ. Thế giới lo ngại nếu Mỹ dựng lên một “bức màn sắt kỹ thuật số",tất cả sẽ thiệt hại.
Vùng núi Quý Châu vốn từ lâu được xem là nơi nghèo nhất Trung Quốc. Tại đây, thu nhập chính của người dân đến từ canh tác một vài loại thảo mộc được sử dụng trong y học cổ truyền và sản xuất rượu Mao Đài - một loại rượu chưng cất nổi tiếng của Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người tại Quý Châu là 6.233 USD vào năm 2018, ít hơn một phần ba so với Bắc Kinh.
Nhưng thủ phủ Quý Dương với dân số 4,6 triệu người, đang có tham vọng lớn để biến thành trung tâm kỹ thuật số mới nhất của Trung Quốc. Mục tiêu của thành phố này được tóm tắt gọn gàng bằng một từ tiếng Trung gồm ba chữ cái - DASHUJU hay còn gọi là "dữ liệu lớn". Và khẩu hiệu này đã in sâu vào tâm trí người dân nơi đây. Dashuju được dán khắp thành phố, từ "Plaza of Dashuju", "Trung tâm nhân sự cho Dashuju", "Công viên Dashuju" và thậm chí là "Căn hộ Dashuju".
Các nhà lãnh đạo thành phố Quý Dương hy vọng chiến dịch lớn này sẽ tập trung vào dữ liệu lớn - xương sống của dịch vụ điện toán đám mây và di động thế hệ 5G tiếp theo - sẽ biến thành phố trở thành trung tâm trong chiến lược Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Bắc Kinh. "Các trung tâm dữ liệu lớn nhất ở Trung Quốc đang được xây dựng tại Quý Dương bởi những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp kỹ thuật số" - ông Li Haibo, Giám đốc Trung tâm xúc tiến hợp tác quốc tế của Khu công nghiệp công nghệ cao Quý Dương nói. Hai trong số các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, Tencent Holdings và Apple, nằm trong số đó.
Apple đã khởi công một trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ USD ở Quý Dương vào tháng 5 năm 2018, với dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới. Ông Li cho biết thêm, Công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ này có kế hoạch kết hợp dịch vụ điện toán iCloud của mình với dịch vụ công của chính quyền tỉnh Quý Châu, cho phép công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ cho thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. Cái đích cuối cùng của Apple là mở rộng việc cung cấp cho các quốc gia tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
03:34, 23/05/2019
04:30, 23/06/2018
Giấc mơ của thành phố Quý Dương - và cơ hội kinh doanh của Apple - đại diện cho mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã phát triển mạnh trong nhiều năm. Thế nhưng trong bối cảnh căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần trở thành một cuộc chiến dân tộc, lan sang cả lĩnh vực công nghệ, nhiều người cho rằng mối quan hệ căng thẳng giữa hai chính phủ có thể vẽ ra một "bức màn sắt kỹ thuật số" giữa Apple và các hoạt động họ tại thành phố Quý Dương.
Là chủ tịch của Hon Hai Precision Industry - được biết đến với cái tên Foxconn Technology Group - CEO Terry Gou đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa ngành công nghiệp công nghệ và sản xuất của Mỹ tại Trung Quốc đại lục.
Công ty của ông đã là đối tác sản xuất lớn nhất cho iPhone của Apple, nhưng bây giờ ông thấy cuộc chiến thương mại chính là nguyên nhân làm cho mối quan hệ này đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Gou nói: "Thế giới sẽ phải sống với hai tiêu chuẩn [công nghệ], do Mỹ và Trung Quốc tạo ra riêng biệt sau cuộc cạnh tranh khốc liệt của hai cường quốc.Có khả năng nó sẽ trở thành 'Một thế giới, Hai hệ thống. Trong tương lai, sẽ không có G-20, mà chỉ có G-2, Mỹ và Trung Quốc".
Những dự đoán khủng khiếp như vậy xuất phát từ quyết định của Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei Technologies, với lý do đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Vào ngày 17 tháng 6, Huawei cho biết họ đã cắt giảm kỳ vọng doanh số trong hai năm tới, tương đương 30 tỷ USD do lệnh cấm của Tổng thống Trump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã so sánh cuộc xung đột công nghệ với Hoa Kỳ với "Tháng ba dài" của Hồng quân dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông vào những năm 1930 - điều mà nhiều nhà quan sát cho rằng nước này đã sẵn sàng cho một trận chiến kéo dài.
Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa - một nhóm chuyên gia tư duy độc lập ở Bắc Kinh nói: "Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng và chúng ta không thể ngồi nhìn nó chết. Chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào các đơn hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và để các nước khác làm những gì họ muốn. Bây giờ, chúng ta sẽ phải tự xây dựng chuỗi cung ứng của chính chính ta".
Còn tiếp...