KKT Dung Quất được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của tỉnh Quảng Ngãi khi chiếm khoảng 80% nguồn thu ngân sách địa phương nhưng phía sau ánh hào quang ấy là những vấn đề cần phải đưa ra bàn thảo…
Khu kinh tế Dung Quất thuộc địa phận xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 11/3/2005. Kể từ đó cho đến nay, KKT Dung Quất đã có những bước phát triển vượt bậc khi trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của tỉnh Quảng Ngãi, đóng góp nguồn thu ngân sách to lớn cho địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn từ năm 2010 – 2022, thu ngân sách từ KKT Dung Quất ước đạt gần 224.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng nguồn thu ngân sách địa phương;… Toàn KKT hiện có 249 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; trong đó hơn 170 dự án trên lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất trong năm 2022 đạt gần 117.000 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng gấp 64 lần so với năm 2004.
Nằm trong hệ thống KKT, cảng Dung Quất được đánh giá là cửa ngõ thông thương quan trọng không chỉ riêng Quảng Ngãi mà còn rộng ra các tỉnh, thành khu vực miền Trung; là nơi thông quan hàng hóa, vật tư, trang thiết bị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh khi mỗi năm có đến 0,6 triệu tấn hàng hóa được bốc xếp qua cảng, cùng với số lượng tàu cập cẩu trung bình đạt hơn 150 lượt/năm.
Bởi lẽ, nơi đây có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông trọng điểm, đơn cử như: Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường sắt Bắc – Nam; Hay như tuyến đường xuyên Á nối liền với các nước bạn Lào, Campuchia và Thái Lan. Ngoài ra, cảng Dung Quất chỉ cách đường hàng hải quốc tế vẻn vẹn 190km, cách đường hàng hải nội địa 30km.
Chính những điều này mang lại tiềm năng gợi mở, lợi ích rõ rệt để phục vụ hiệu quả trong công cuộc phát triển ngành kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi ngày càng trở nên nhanh, mạnh và bền vững cũng như tạo ra thế trận QP-AN vững chắc cho cả khu vực và đất nước.
Đánh giá về lợi ích kinh tế mà KKT Dung Quất mang lại, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Kể từ khi KKT Dung Quất được thành lập, Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách đa phần phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương thì nay đã lớn mạnh, trở thành một trong những tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn của cả nước, với quy mô nền kinh tế đạt hơn 120.000 tỷ đồng; xếp thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 2/5 tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 18/32 tỉnh, thành cả nước…
Trái ngược với hình ảnh tươi sáng trong bức tranh kinh tế biển Quảng Ngãi là những “vệt đen” về hạ tầng giao thông khi nhiều tuyến đường vào KKT Dung Quất bị hư hỏng nặng nề. Đây là rào cản lớn đối với việc thông thương hàng hóa, giảm sức hút đối với các nhà đầu tư, đẩy lùi sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Quảng Ngãi, khiến cho địa phương này chưa thể trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải miền Trung.
Vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua, nhóm PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã tìm về KKT Dung Quất để ghi nhận thực tế, tìm hiểu thực hư sự việc. Theo đó, qua quan sát, tại các tuyến đường Thanh Niên nối KKT Dung Quất với sân bay và KKT mở Chu Lai (ranh giới tỉnh Quảng Nam), Quốc lộ 24C từ Ngã tư Nhà máy nước Vinaconex đến cảng Dung Quất), có nhiều khu vực bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng với hàng loạt “ổ voi, ổ gà” chằng chịt… khiến cho các phương tiện giao thông gặp khó khăn, phải ì ạch di chuyển.
Cùng chung thảm cảnh tương tự, đó là tuyến đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ ngã tư xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đến cảng quốc tế Hào Hưng. Không chỉ vậy, ngã tư này cũng là một “điểm đen” về giao thông ở KKT Dung Quất khi đã từng xảy ra hàng chục vụ tai nạn thương vong.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phong – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Tuyến đường dẫn vào cảng từ ngã tư đến dự án nhà máy thép Hòa Phát hiện nay đang bị hư hỏng nhiều khu vực và giải pháp hiện nay đang được thảm nhựa trở lại.
Một lãnh đạo KKT Dung Quất cho hay: Hạ tầng giao thông nơi đây luôn trong tình trạng quá tải, chỉ đáp ứng 60% nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Sắp tới, những đại công trường giá trị hàng tỷ USD bước vào xây dựng, những tuyến đường nói trên chỉ còn đáp ứng được 50%.
Qua đó, có thể thấy rằng, sức mạnh tăng trưởng của KKT Dung Quất hiện vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình. Hi vọng rằng, trong tương lai gần, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ chú trọng quan tâm đầu tư, nâng cấp và mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực này, đưa kinh tế biển Quảng Ngãi phát triển vượt bậc, ngang hàng với các tỉnh, thành khác trong nước.
Có thể bạn quan tâm