Bức tranh “xám” ngành Logistics?

Trung Thành – Thu Duyên 11/06/2023 02:36

Được xem là “nhiệt kế” của nền kinh tế, logistics đã phản chiếu bức tranh xám màu suốt từ quý IV/2022.

>>Bị cắt điện liên tục, doanh nghiệp cảng và logistics "kêu cứu"

Các chuyên gia dự báo, ngành này chưa thể chấm dứt những khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và hết năm 2024. 

 Khó khăn lớn nhất trong năm 2023 đối với ngành logistics là nguồn hàng. Ảnh: Hoài Nam

Khó khăn lớn nhất trong năm 2023 đối với ngành logistics là nguồn hàng. Ảnh: Hoài Nam

Ông Đinh Xuân Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinafco cho biết, hiện nay lượng tàu đóng mới trên toàn thế giới quý I/2023 đã tăng 2,2 triệu TEUs, tương đương 8,2% trên toàn cầu. Quý I, ước tính lượng tàu nội địa trong nước tăng 40%, (từ 19.400 TEUs lên đến 27.000 TEUs. Quý I/2023, vận tải biển giảm từ 26 - 44%. Hiện nay đối với vận tải trong nước, cước chỉ đủ để vận hành, chưa tính khấu hao lãi vay và quản lý vận hành doanh nghiệp.

Suy thoái đường biển, bi đát đường bộ

Dù đang suy thoái nhưng vận tải biển vẫn còn ở trạng thái cầm cự. Tuy nhiên vận tải đường bộ lại ở trạng thái rất bi đát. Giá nhiên liệu tăng cao (chiếm 35 – 40% chi phí), trong khi đó nguồn hàng khan hiếm nên xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp vận tải khiến giá cước hạ thấp xuống kịch sàn. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Thêm nữa, thủ tục đăng kiểm vừa qua gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Nguyên nhân của sự suy thoái toàn cầu từ việc tăng chi tiêu chính phủ trên toàn thế giới để phục hồi và kích thích phát triển kinh tế sau 2 năm dịch COVID-19 đã gây ra lạm phát diện rộng. Chiến tranh Nga - Ukraine khiến tâm lý người tiêu dùng e ngại, thắt chặt chi tiêu càng làm xấu đi tình hình kinh tế toàn cầu. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã bị tác động lớn bởi những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu đều suy giảm, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, lưu lượng hàng hóa giảm sâu đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.

Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp trong tháng 5/2023 của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, có đến gần 60% các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng ở tổng thể các ngành. Dự báo khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu năm 2023 – 2024 tăng chậm. Riêng đối với ngành logistics, có đến 52,7% các doanh nghiệp ở trạng thái tiêu cực. Và những tháng còn lại của năm 2023 được đánh giá là rất kém triển vọng khi có đến 54,3% các doanh nghiệp ở trạng thái xấu. Theo kết quả khảo sát, có đến trên 10% các doanh nghiệp logistics ngừng kinh doanh và chờ giải thể, 38,5% các doanh nghiệp giảm mạnh về quy mô và chỉ có 3,6% các doanh nghiệp mở rộng quy mô vừa phải. Doanh thu của ngành logistics cũng cho thấy mức độ ảm đạm thê thảm khi gần 30% các doanh nghiệp giảm trên 50%, số doanh nghiệp có doanh thu tăng trên 50% chỉ chiếm 1,3%.

Những khó khăn, thách thức lớn nhất trong năm 2023 đối với ngành logistics đó là nguồn hàng, thông tin thị trường và tiếp cận vốn vay.

>>Giải pháp nào giảm chi phí vận tải logistics trong thời gian tới?

>>Doanh nghiệp logistics liên kết vượt khó

>>Hai ông lớn "bắt tay" đầu tư hạ tầng vận tải và logistics ở Việt Nam

Giải pháp ngắn hạn, chiến lược dài hơi

Những khó khăn, thách thức lớn nhất trong năm 2023 đối với ngành logistics đó là nguồn hàng, thông tin thị trường và tiếp cận vốn vay.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp logistics là nguồn hàng. “Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định để có sự chuẩn bị tối ưu về nhân sự, tài chính, vận hành, thị trường. Nâng cao vai trò của Hiệp hội (kết nối, cung cấp thông tin) để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nỗ lực tối ưu dịch vụ logistics theo từng ngành hàng. Tận dụng thời gian để đồng thời phát triển các bài toán chiến lược: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tìm kiếm đối tác mới, đánh giá các chuỗi logistics tiềm năng” – bà Thủy chia sẻ.

Trong cuộc hội thảo mới đây bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp logistics giữa Hiệp hội logistics Hà Nội và Hiệp hội logistics Hải Phòng, các doanh nghiệp đều cho rằng trước mắt cần phải điều chỉnh mô hình quản lý doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có những giải pháp ngắn hạn để tối ưu chi phí: Tối ưu trực tiếp các chi phí như xếp dỡ, tracking, quản lý... “Phải phối hợp hợp tác với các bên như bên cảng, bên vận tải đường bộ để tối ưu bằng năng suất chạy điều rỗng hoặc ở cảng xếp dỡ cần phải phối hợp để tăng chuyến tàu, giảm chi phí. Thậm chí phải tối ưu được các nguồn hàng, phối hợp với chuỗi logistics của khách hàng, tiết giảm được một chiều rỗng” – đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Trong “cái khó, ló cái khôn”, ông Lê Hồng Cẩm - Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Cảng Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị, đó là tìm thị trường ngách. “Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đã tìm ra thị trường ngách để giải quyết câu chuyện khó khăn, tiết giảm chi phí tối ưu, đưa ra thị trường mới. Chúng tôi chậm lại một chút để tư duy các bước tiếp theo, đưa ra lựa chọn, tìm kiếm các cơ hội đến đó là những dịch vụ về ô tô và dịch vụ siêu trường siêu trọng. Chúng ta cần phải liên kết với nhau, cần phải ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam trong câu chuyện hợp tác phát triển. Các doanh nghiệp có thể cạnh tranh nhưng cạnh tranh để phát triển”, ông Cẩm cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Bị cắt điện liên tục, doanh nghiệp cảng và logistics "kêu cứu"

    09:00, 09/06/2023

  • Kiến nghị nâng cấp hệ thống đường sắt Việt Nam để giảm chi phí logistics

    20:13, 08/06/2023

  • Giải pháp nào giảm chi phí vận tải logistics trong thời gian tới?

    02:20, 08/06/2023

  • Doanh nghiệp logistics liên kết vượt khó

    14:17, 04/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bức tranh “xám” ngành Logistics?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO