Bùng nổ cuộc chiến dầu mỏ, “lợi bất cập hại”?

Nguyễn Chuẩn 14/03/2020 05:26

Tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, đứng đầu là Nga, đã bế tắc trong một thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp ở Vienna, Áo.

Như vậy là "cuộc hôn nhân" kéo dài 3 năm giữa OPEC và Nga dường như đã chấm dứt kể từ ngày 6/3 sau khi phía Mát-cơ-va từ chối việc cắt giảm lượng dầu sâu hơn nữa trong một động thái để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

Nga và OPEC họp bàn một thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp ở Vienna, Áo.

Nga và OPEC họp bàn một thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp ở Vienna, Áo.

Các cuộc thảo luận giữa Nga và OPEC đã “đi vào ngõ cụt” sau khi OPEC đưa ra một tối hậu thư với Nga vào hôm 5/3 vừa qua, đề nghị một thỏa thuận với mức cắt giảm lượng dầu sâu hơn dự kiến hoặc là sẽ không có thỏa thuận nào khác.

Cuối cùng, cả hai bên đều không tìm được tiếng nói chung trong thỏa thuận này khi mà Bộ trưởng Năng lượng của Nga, Alexander Novak, đã tuyên bố rằng các nước trong và ngoài OPEC có thể “tự do sản xuất” kể từ ngày 1/4 tới đây, ngay khi thỏa thuận hiện nay sẽ kết thúc vào cuối tháng ba này. Phía Nga đưa ra đề xuất duy trì các điều kiện hiện có còn phía các nước OPEC thì đề nghị tiếp tục giảm sản lượng khai thác dầu để bình ổn lại giá. Và tất nhiên, khi cả hai bên đều giữ quan điểm của mình, thỏa thuận được cho là đã “đổ vỡ”.

Ngay lập tức, vào thứ tư vừa qua, Aramco, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của Ả Rập Xê-út đã khởi động một chương trình tăng cường năng lực sản xuất lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Theo đó, Aramco sẽ lên kế hoạch tăng cường công suất sản xuất lên 13 triệu thùng mỗi ngày từ mức 12 triệu thùng/ngày như hiện nay. Động thái này rõ ràng là tín hiệu cho thấy, Ả Rập Xê-út đã sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi về năng lực sản xuất và thị phần với Nga và các đối thủ khác.

Về phía UAE, họ cũng cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch nâng công suất lên 5 triệu thùng/ngày, mục tiêu mà trước đây nước này nhắm tới vào năm 2030.

Tuy nhiên, cả Riyadh và Abu Dhabi đều không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các kế hoạch mở rộng công suất của họ. Theo các chuyên gia đánh giá, kế hoạch của các nước này có thể sẽ "ngốn sạch" hàng tỷ đô la đầu tư và mất đến vài năm để hoàn thành.

Và cũng ngay lập tức, giá dầu thế giới đã “tụt dốc không phanh” tới gần một nửa sau khi phía Riyadh giảm giá dầu thô và đưa ra cảnh báo về việc tăng cường sản lượng khai thác. Cổ phiếu của hai tập đoàn dầu mỏ các quốc gia này, Aramco của Ả-Rập Xê-út và Rosneft của Nga, lập tức lao dốc theo.

Có thể bạn quan tâm

  • OPEC và cuộc chiến giành lại tầm ảnh hưởng

    OPEC và cuộc chiến giành lại tầm ảnh hưởng

    02:00, 26/11/2019

  • Giá dầu sụt giảm và vấn đề sống còn với OPEC

    Giá dầu sụt giảm và vấn đề sống còn với OPEC

    11:00, 21/12/2018

  • Tổng thống Trump có đang tác động lên các chính sách của OPEC?

    Tổng thống Trump có đang tác động lên các chính sách của OPEC?

    11:00, 06/12/2018

Ả Rập Xê-út vốn được biết đến như là một kho dự trữ dầu lớn thứ hai trên thế giới và với chi phí sản xuất dầu thấp nhất thế giới. Đã từ rất lâu, nước này đóng vai trò là “nhà sản xuất bản lề” (swing producer – tức quốc gia sẽ quyết định giá quốc tế lên hay xuống tùy vào sản lượng của quốc gia đó). Theo đó, họ sẽ tự do cắt giảm hoặc tăng sản lượng để phù hợp với nhu cầu và đẩy giá lên cao.

Từ xưa đến nay, Ả Rập Xê-út hiếm khi sản xuất trên 10,5 triệu thùng/ngày mặc dù họ có khả năng đó. Nhưng vào hôm thứ ba vừa qua, họ cho biết sẽ tăng nguồn cung trong tháng 4 lên 12,3 triệu thùng/ngày, cho thấy đây chính là một động thái “dằn mặt” để kéo Nga trở lại bàn đàm phán.

Trước đây, Ả-rập Xê-út cho rằng việc cắt giảm sản lượng của riêng mình để dành chỗ cho sản lượng ngày một tăng của Mỹ trong thị trường toàn cầu sẽ có thể duy trì được mức giá dầu thô cao. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà lãnh đạo của Ả-rập Xê-út đã nhận ra đây là một chiến lược sai lầm. Thời gian gần đây, Mỹ đã và đang trỗi dậy thành một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và trong khi đó Ả-rập Xê-út dần dần mờ nhạt không chỉ trong vai trò một nước xuất khẩu dầu mà có lẽ cả trong vai trò một nước mà Mỹ cảm thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ.

Các cuộc thảo luận giữa Nga và OPEC nhằm cắt giảm sản lượng dầu thô có thể đã nằm trong kế hoạch của các nước OPEC. “Những kẻ thống trị dầu mỏ ở Trung Đông” dường như muốn Nga ngồi vào bàn đàm phán để vạch rõ vai trò là một “swing producer” của họ. Nhưng mọi việc đã “đổ vỡ” theo cái cách mà các nước này không mong muốn.

Trong quá khứ, OPEC đã từng sử dụng vũ khí “giá” để hỗ trợ cho mục đích duy trì thị phần và khống chế thị trường dầu mỏ toàn cầu. Họ đầy giá xuống đến mức mà các nhà sản xuất tại Mỹ  và Nga bắt buộc phải giảm mạnh sản lượng để cân bằng cung cầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Nga đang cho thấy sự cứng rắn trong cách hành xử của họ khi không đồng ý với các biện pháp mà OPEC đưa ra.

Để chuẩn bị cho “cuộc chiến dầu mỏ” có phần khốc liệt này. Mỗi nước đều tự chuẩn bị cho mình một kế hoạch dài hơi và tốn kém. Về phía Nga, họ đã tích lũy một khoản dự trữ ngoại tệ trị giá 570 tỷ USD, cùng với chính sách đồng rúp linh hoạt, cho phép nước này nhanh chóng tiến hành các điều chỉnh theo diễn biến thị trường.

Theo các chuyên gia dự đoán, Nga đang có một “sức khỏe”  tốt hơn nhiều để chống chịu lại một cú sốc kinh tế so với thời điểm năm 2014,  khi mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt xung quanh sự kiện “xâm chiếm” Crimea, hoặc so với thời điểm 2008, khi Moskva hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 Về phía Ả-rập Xê-út, họ cũng đang có khoản dự trữ ngoại tệ 500 tỷ USD và tỷ lệ dư nợ trên GDP rất thấp, chỉ rơi vào khoảng 25%, mang lại cho nước này nhiều tiềm năng đi vay. Trên thực tế, Riyadh đã tăng nợ thêm trên 100 tỷ USD bằng ngoại tệ mạnh kể từ năm 2016 để bù đắp tác động của giá dầu thấp.

Trong khi đó các công ty dầu mỏ của Hoa Kỳ, vốn bị cấm bởi luật pháp được phép tham gia bất kỳ hiệp ước nào hạn chế sản lượng dầu mỏ lại đang là một trong những người đầu tiên cảm thấy sức nóng. Khi giá dầu giảm mạnh, họ đã bắt buộc phải công bố kế hoạch cắt giảm cổ tức và cắt giảm chi tiêu.

Có thể nói, những động thái này của Nga và OPEC nói chung sẽ đánh thức và làm nóng thị trường dầu mỏ vốn đã trở nên rất căng thẳng sau những va chạm từ việc không tìm được tiếng nói chung của các nhà sản xuất. Theo nhiều chuyên gia nhận định, việc này có thể sẽ phá vỡ mối quan hệ chính trị và tài chính vừa chớm nở giữa Nga và Ả Rập Xê-út. Kết quả sẽ khiến thị trường dầu biến động và dẫn đến nhiều biến động địa chính trị trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bùng nổ cuộc chiến dầu mỏ, “lợi bất cập hại”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO