Đông Nam Á đang có một cuộc cách mạng xe điện khi mà ở đó các nhà sản xuất ô tô từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có sự so kè quyết liệt.
>>>Cuộc đua xe điện sẽ “nóng” trở lại?
Theo báo cáo của tờ Nikkei Asia, thị trường xe điện ở Đông Nam Á đang bùng nổ khi các nhà sản xuất ô tô có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại ít nhất ba quốc gia trong năm nay, một bước quan trọng để làm cho ô tô có giá cả phải chăng hơn với người tiêu dùng trong khu vực.
Đáng chú ý, nhiều công ty trong số này có trụ sở tại Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, hiện chiếm hơn 90% doanh số bán ô tô mới ở Đông Nam Á, lại đang bị tụt hậu phía sau.
Chỉ vài tháng sau khi Hyundai bắt đầu sản xuất toàn bộ tại nhà máy sản xuất xe điện mới ở Indonesia, liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile của Trung Quốc đã công bố một mẫu xe điện mini mới, dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này vào cuối năm nay.
Wuling là một động lực trong thị trường xe điện đang phát triển nhanh của Trung Quốc, họ đã bán được 420.000 chiếc Hongguang Minis, với giá khoảng 32.800 NDT (4.880 USD) vào năm ngoái. Mặc dù, công ty vẫn chưa công bố giá của mẫu xe mới của mình tại Indonesia. Nhưng, một chiếc ô tô có giá tương tự có thể làm nóng bỏng thị trường xe điện ở quốc gia này, nơi phần lớn các mẫu xe hiện có giá trên 35.000 USD.
Bên cạnh đó là Thái Lan, quốc gia đang đặt mục tiêu 30% sản lượng ô tô điện được sản xuất vào năm 2030. Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, nước này đã hạ thuế đối với xe điện từ 8% xuống 2% để đổi lấy lời hứa sẽ bắt đầu sản xuất trong nước trong tương lai. Chính phủ cũng cung cấp một khoản trợ cấp lên tới 150.000 baht (4.240 USD) cho mỗi chiếc xe điện.
Tại Thái Lan, Great Wall Motor của Trung Quốc đã phản ứng bằng cách giảm giá khởi điểm của chiếc Ora Good Cat khoảng 8%, xuống còn 763.000 baht (21.600 USD). Nhà sản xuất của Trung Quốc có vẻ sẽ giảm giá hơn nữa bằng cách bắt đầu sản xuất tại Thái Lan sớm nhất là vào năm 2023.
Ngoài ra, Toyota và SAIC cũng đang tận dụng các ưu đãi của Thái Lan. Toyota dự kiến sẽ bắt đầu bán xe điện do Nhật Bản sản xuất tại Thái Lan vào cuối năm nay, với kế hoạch chuyển sang sản xuất trong nước sớm nhất là vào năm 2024. Trong khi tập đoàn Mercedes-Benz có kế hoạch bắt đầu lắp ráp xe tại Thái Lan trong năm nay và tập đoàn năng lượng nhà nước Thái Lan PTT đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2024 với Foxconn.
>>>Cuộc “tàn sát” trong thị trường xe điện đã bắt đầu
Trên thực tế, thị trường xe điện tại Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường hấp dẫn và có dư địa lớn cho các nhà sản xuất khi số lượng xe điện hiện có rất ít, năm 2019 chỉ có 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến năm 2021 có thêm hơn 1.000 xe, theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) từng đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2030-2040. Và cho đến năm 2040, Việt Nam sẽ có khoảng 3,5 triệu xe ô tô điện...
Đáng chú ý, với những chính sách cởi mở, bao gồm việc đưa mức thu lệ phí trước bạ của xe ô tô điện chạy pin về mức 0% trong vòng 3 năm, kể từ 1/3. Và trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 50% xe xăng có cùng số chỗ ngồi. Cộng thêm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin cũng giảm chỉ còn 1 - 3%, có hiệu lực từ tháng 3/2022 đến hết tháng 2/2027.
Việt Nam đang trở nên hấp dẫn với các hãng sản xuất xe điện. Nhiều hãng xe hàng đầu thế giới đã liên tục giới thiệu một số sản phẩm xe điện dự kiến ra mắt Việt Nam ngay trong năm 2022. Song, có lẽ tất cả đang rất khó có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với “tân binh” Vinfast, nhà sản xuất xe điện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, VinFast mới ra mắt 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm thương mại công nghệ CES 2022 tại Las Vegas. Động thái này diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi công ty trình làng hai mẫu SUV chạy điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles năm ngoái.
Vinfast đang có một lợi thế rất lớn trong cuộc chiến xe điện tại Việt Nam, bằng chứng là chỉ sau 48 tiếng mở bán, 2 mẫu VF 8 và VF 9 nhận được khoảng 24 nghìn đơn đặt hàng. Mẫu VF e34 cũng nhận được 25 nghìn đơn đặt hàng sau 3 tháng mở bán.
Tất cả điều này được cho là do Vinfast đã có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng từ năm ngoái. Họ đang chiếm ưu thế hơn các đối thủ khác với 40 nghìn cổng sạc đã được xây dựng trên toàn quốc trong năm 2021. Hơn 2000 trạm sạc VinFast được đặt tại những địa điểm thuận tiện cho người dùng như bãi đỗ xe; trung tâm thương mại; các tòa nhà văn phòng, chung cư; dọc đường cao tốc, quốc lộ và các trạm xăng.
Trong khi đó, các hãng xe khác tại Việt Nam hiện còn chưa có hệ thống trạm sạc hoặc lộ trình phát triển cụ thể. Bên cạnh đó, việc “sạc chung” là không thể khi Vinfast đã đưa ra quan điểm chỉ người dùng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc của VinFast.
Nhìn chung, với ưu thế về trạm sạc, có thể Vinfast sẽ “kê cao gối” trong vòng vài năm tới. Nhưng, kinh doanh là một cuộc chiến mà ở đó người dẫn đầu sẽ luôn phải tích lũy sức mạnh, Vinfast sẽ còn nhiều việc nếu muốn thống trị thị trường xe điện Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc đua xe điện sẽ “nóng” trở lại?
12:00, 18/06/2022
Cuộc “tàn sát” trong thị trường xe điện đã bắt đầu
05:05, 15/06/2022
Mua xe điện không pin: Khách hàng của VinFast hưởng lợi đơn, lợi kép
10:01, 06/06/2022
"Bong bóng" xe điện toàn cầu sắp nổ tung?
05:10, 01/06/2022
TP.HCM: Lên kế hoạch 3 giai đoạn tiến tới “xoá sổ” xe “xăng” và phủ 100% xe điện?
17:10, 13/05/2022
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: VinFast “trấn an” người mua xe điện
04:00, 08/05/2022
TC Group & Hyundai Motor giới thiệu xe điện IONIQ 5 tại Việt Nam
14:22, 26/04/2022
VinFast chọn B-EV Motors làm đại diện phân phối xe điện tại Israel
19:00, 25/04/2022