Bước ngoặt chuyển đổi và cơ hội đón làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam

DIỄM NGỌC - HỒNG MINH 26/03/2024 11:20

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính và thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo.

>>Giải ngân FDI vào Việt Nam trong các tháng tới có thể đạt 1,5 tỷ USD/tháng?

Đón làn sóng FDI lần thứ 4

Kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý 1 với nhiều điểm sáng. Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn FDI đăng ký mới tăng gần 40%, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên mốc 50 điểm… Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo

Tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” ngày 26/3, TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dự báo, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn.

Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm. 

Một thực tế được chỉ ra là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19; Biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; và mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào vốn, lao động giá rẻ đã đến điểm tới hạn. Theo TS Võ Trí Thành, rất thách thức để đạt được mục tiêu 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025. 

TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

“Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu Việt Nam nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy. Bước ngoặt chuyển đổi này được nhìn thấy qua dữ liệu tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”. TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Mặc dù trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022 (trong đó FDI vào các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%). Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.

Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư, có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. 

Về phía tổ chức tài chính, đại diện ngân hàng HSBC cũng chia sẻ về vai trò của tổ chức tài chính toàn cầu trong việc hỗ trợ đưa dòng vốn FDI vào Việt Nam. Song song đó, các ngân hàng Việt Nam trong đó có ACB cũng đã đầu tư nguồn lực, công nghệ và các chính sách phù hợp cho phân khúc FDI, nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Riêng nhóm doanh nghiệp FDI quy mô vừa có doanh thu từ 50 triệu USD hàng năm trở xuống, có địa bàn hoạt động trải dài nhiều tỉnh thành, sẽ rất phù hợp khi có mối quan hệ hợp tác với ngân hàng Việt Nam.

>>Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao

Chọn ngành để kinh doanh và đầu tư

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá, đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình. 

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ của Chính phủ; kết nối ngành hàng, đối tác, hiệp hội; tìm hiểu sự dịch chuyển của các thị trường, nguồn cung… và bắt nhịp các xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thứ hai, đối với nhà đầu tư, bối cảnh vĩ mô dần tốt lên trong khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp, dòng tiền sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác để tìm kiếm lợi suất cao hơn.

Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, các xu thế mới hiện đang rất mạnh mẽ, gồm số, xanh, bền vững... và Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất từ sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước với nhiều bộ luật được sửa đổi, nhiều khung khổ pháp lý liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số được xây dựng; đẩy mạnh hệ tầng số; tất cả các quy hoạch vùng, tỉnh sẽ xong trong năm nay, bên cạnh các cơ chế đặc thù. Cùng với đó là hoạt động đối ngoại hiệu quả,... tạo thành nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Đưa ra khuyến nghị tới doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giai đoạn này, TS Võ Trí Thành chia sẻ 3 bí quyết: Thấy cho hết khó khăn để có công cụ phòng thủ; Biết nhặt nhạnh các cơ hội để vượt khó; Nắm bắt xu thế gắn với xanh, công nghệ, con người. “Đừng quá bi quan nhưng cũng không lạc quan mà hãy hành động với tâm thế tích cực”.

Từ góc độ của một đơn vị tư vấn hàng đầu, bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng Giám đốc, EY-Parthenon - Tư vấn chiến lược, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đã gợi mở ra cơ hội phát triển từ việc nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với trọng tâm là sự phát triển của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu cao của các hoạt động logistics phục vụ ngành.

Về lựa chọn đầu tư, các chuyên gia đều chung nhận định rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã quay trở lại xu hướng tăng trưởng kể từ quý 4/2023. Các ngành chịu ảnh hưởng bởi biến động giá hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi.

Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2024 nhờ triển vọng tín dụng tích cực hơn. Các nhóm ngành như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, logistic, hạ tầng giao thông/năng lượng, công nghệ, tiêu dùng/bán lẻ được đánh giá có triển vọng tăng trưởng giá trị vốn hóa trong giai đoạn tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Dẫn dòng vốn đầu tư FDI xanh

    02:00, 25/03/2024

  • Giải ngân FDI vào Việt Nam trong các tháng tới có thể đạt 1,5 tỷ USD/tháng?

    03:50, 22/03/2024

  • Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp FDI trong thực hành phát triển bền vững tại Việt Nam

    13:05, 21/03/2024

  • VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

    22:52, 19/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bước ngoặt chuyển đổi và cơ hội đón làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO