Theo hồ sơ, Vinhomes (VHM) sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Ủy ban đã nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu theo Báo cáo số 02/2024/CV-VHM ngày 08/10/2024 của CTCP Vinhomes (mã VHM).
Phương án mua lại cổ phiếu của Công ty được thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 03/2024/NQ-ĐHĐCĐ-VHM ngày 04/9/2024, Nghị quyết HĐQT số 15/2024/NQ-HĐQT-VH ngày 05/9/2024, Quyết định HĐQT số 04.10/2024/NQ-HĐQT-VH ngày 04/10/2024 và quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam đã có bước tiến mới. Theo kế hoạch được cổ đông thông qua, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự chi ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng .
Theo Vinhomes, động thái này là nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp. Mặc dù giới phân tích cho rằng, quá trình phê duyệt có thể cần thêm thời gian do giá trị giao dịch cao, song với bước tiến mới này, nhà đầu tư trên thị trường tiếp tục xôn xao và mong đợi. Phản ứng tích cực của thị trường đã thể hiện ngay trong phiên giao dịch khép lại tuần 11/10, với VHM vượt lên tín hiệu của dòng bất động sản, trở thành 1 trong những mã trụ tâm điểm.
VNDirect thống kê, VHM là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho chứng khoán trong phiên 11/10. Theo đó, thị giá cổ phiếu này tăng 3,4% lên 43.600 đồng một đơn vị với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt gần 678 tỷ đồng. Trong phiên, VHM là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất và gần như được nhóm trong nước hấp thụ hết.
Nhìn xa hơn 1 phiên thời gian gần đây, VHM cũng lọt vào danh sách là một trong những mã cổ phiếu được khối ngoại mua -bán nhiều nhất. Chẳng hạn ngay trong phiên 11/10, khối ngoại liên tục có diễn biến giao dịch với VHM, bán lên đến 588 tỷ đồng, nhiều nhất trong vòng 2 tháng trở lại, trong khi đây là mã đã được mua ròng trước đó. Điều đó cũng cho thấy rằng ngoài yếu tố giá trị nền tảng và triển vọng kinh doanh, thông tin và diễn biến về vụ mua cổ phiếu quỹ đã tạo động lực cho thanh khoản của cổ phiếu và thu hút mối quan tâm của nhà đầu tư.
Thống kê dữ liệu ghi nhận, từ khi có thông tin công bố về kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, VHM đã đi từ đáy lịch sử xác nhận vào đầu tháng 8, tăng hơn 26%. Vốn hóa thị trường của Vinhomes cũng theo đó tăng trở lại mức xấp xỉ 190.000 tỷ đồng (~7,7 tỷ USD).
Được biết, trước đó vào ngày 04/09, VHM công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc điều chỉnh ngành nghề đăng ký kinh doanh và phương án mua cổ phiếu quỹ. Trong đó, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án mua lại tối đa 370 triệu cp quỹ của Công ty, tương đương 8.5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Trong trường hợp số cổ phiếu mua lại đạt mức tối đa, vốn điều lệ của VHM sẽ giảm từ hơn 43,5 nghìn tỷ đồng xuống còn hơn 39,8 nghìn tỷ đồng.
VHM cho biết nguồn vốn mua lại đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC được kiểm toán hoặc soát xét gần nhất. Thời gian mua sẽ được xác định sau khi UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký và Công ty đã thực hiện công bố thông tin theo quy định.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, trong cuộc gặp gỡ IR, đại diện Vinhomes đã khẳng định kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán sỉ tại dự án Vinhomes Vũ Yên trong năm nay và các giao dịch bán lô lớn dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm 2024 (giá trị ước tính 40.000 tỷ đồng).
Vinhomes cũng cho biết việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.
Ngoài ra, Vinhomes dự kiến sẽ có thêm nguồn thu từ việc mở bán mới dự án Cổ Loa trong nửa cuối năm.
Vinhomes Vũ Yên và Cổ Loa là 2 trong 3 đại dự án của Vinhomes, được dự phóng có thể đóng góp doanh thu tăng trưởng hơn 24%, đạt khoảng 91.000 tỷ đồng trong năm nay, theo ước tính của VNDirect.
Trước đó, phân tích về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ dự kiến của Vinhomes, SSI Research cũng cho rằng, tính đến ngày 30/06/2024, công ty có gần 19.150 tỷ đồng tiền mặt, đủ để mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu như đã thông báo. Trong khi vốn điều lệ sẽ giảm sau khi thực hiện thương vụ, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của VHM vẫn được duy trì khá tốt, khoảng 24% tính đến cuối quý II/2024. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của VHM cho thấy công ty đang có 26.500 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 47.700 tỷ đồng nợ dài hạn, điều này có thể sẽ là thách thức đối với dòng tiền của công ty sau khi mua lại cổ phiếu.
Với lượng tiền mặt và nguồn thu dự phóng, một chuyên gia rằng những nghi ngại về vấn đề nguồn vốn cho thương vụ mua lại cổ phiếu lớn nhất lịch sử TTCK Việt Nam, phần lớn sẽ được giải tỏa. Tuy nhiên, do quy mô của thương vụ và vị thế của VHM, chuyên gia cũng cho rằng vẫn cần theo dõi để đánh giá được tác động của thương vụ đối với doanh nghiệp cũng như với thị trường.