Việt Nam không thiếu trí thức, ý tưởng hay hoài bão của người trẻ, điều thiếu là hành lang pháp lý và chính sách đủ linh hoạt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 6 vừa khép lại với nhiều gợi mở và kỳ vọng. Hơn 200 đại biểu là những nhà khoa học, trí thức trẻ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau thảo luận 4 vấn chiến lược gồm: ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mới; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh; thích ứng bền vững trước thách thức toàn cầu; và phát triển văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới.
Nhìn tổng thể, các vấn đề ấy không đơn lẻ, rời rạc mà đan cài và bổ trợ cho nhau, cùng hướng đến một mục tiêu chung: xây dựng một hệ sinh thái khoa học - công nghệ hiệu quả, thực chất, phục vụ cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Câu hỏi lớn được đặt ra không phải là có cần thúc đẩy khoa học - công nghệ hay không, mà là làm sao để những kết quả nghiên cứu, những tiềm năng trí tuệ dồi dào của người Việt, đặc biệt là giới trẻ, có thể chuyển hóa thành sản phẩm, thành dịch vụ, thành giá trị thực tế và lan tỏa được trong nền kinh tế.
Câu trả lời cho điều này không nằm đâu xa, mà chính là cơ chế.
Việt Nam không thiếu trí thức, không thiếu ý tưởng, càng không thiếu hoài bão vươn lên của thế hệ trẻ. Điều cần bổ khuyết, như các đại biểu đã chỉ ra, là hành lang pháp lý và chính sách đủ linh hoạt, đủ cởi mở để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Các quốc gia đi trước đã chứng minh: cơ chế là đòn bẩy quyết định giúp chuyển đổi tri thức thành giá trị. Nếu không có những thể chế ưu việt, sẽ rất khó để các sáng kiến vượt qua "thung lũng chết" giữa phòng thí nghiệm và thị trường.
Trong bối cảnh đó, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW từ cuối năm 2024 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một bước đi chiến lược và rất kịp thời. Đây chính là nền tảng để mở rộng các chính sách đặc thù, hướng đến mục tiêu đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế.
Một trong những kiến nghị trọng tâm tại Diễn đàn là phát triển mạnh mẽ mô hình liên kết viện - trường - doanh nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện đại, khi nghiên cứu khoa học không thể đứng tách biệt mà phải hòa mình vào mạch chảy của thị trường, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tuy nhiên, để liên kết này thực sự tạo ra sản phẩm, cần có một chất xúc tác rất cụ thể: vốn.
Hiện nay, việc tiếp cận vốn đầu tư đối với các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp khoa học - công nghệ vẫn còn rất khó khăn. Đặc thù của các sản phẩm nghiên cứu là tiềm năng lớn nhưng rủi ro cao, khiến nhiều tổ chức tài chính e ngại. Trong khi đó, các nguồn lực Nhà nước dù tích cực nhưng vẫn có giới hạn. Chính vì vậy, cơ chế tài chính phù hợp từ việc xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước, đến việc khuyến khích các ngân hàng thương mại đồng hành, chia sẻ rủi ro là điều kiện tiên quyết.
Không dừng lại ở việc cung cấp vốn, vấn đề là cấp đúng - cấp trúng - cấp kịp thời. Điều này đòi hỏi phải phân nhánh rõ ràng các nhóm đối tượng cần hỗ trợ: từ các startup công nghệ ở giai đoạn đầu, các nhóm nghiên cứu tại trường đại học, đến những doanh nghiệp đang muốn ứng dụng công nghệ mới. Mỗi nhóm sẽ cần một “hành lang vốn” riêng, với tiêu chí và tiêu chuẩn phù hợp.
Điểm sáng của Diễn đàn năm nay chính là sự chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững và hài hòa, khi các đại biểu đề xuất phổ cập đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh, và gắn văn hóa với chiến lược phát triển quốc gia. Đây không chỉ là xu thế toàn cầu, mà còn là nhu cầu thiết yếu của một quốc gia muốn vươn lên có trách nhiệm.
Trong đó, trí thức trẻ chính là nòng cốt. Họ không chỉ mang theo kiến thức cập nhật, tinh thần đổi mới, mà còn có khả năng kết nối toàn cầu, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Việc đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn khoa học trẻ là một sáng kiến cần được đánh giá cao, bởi đây chính là cầu nối giữa hoạch định chính sách và thực tiễn đổi mới sáng tạo từ giới trẻ. Đồng thời, các chương trình học bổng, trao đổi nghiên cứu sinh sẽ tạo nên mạng lưới liên kết trí thức Việt trên toàn cầu, đóng vai trò “tài sản mềm” chiến lược cho quốc gia trong dài hạn.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu không chỉ là nơi đưa ra kiến nghị, mà còn là sự khẳng định tầm nhìn: xây dựng một hệ sinh thái khoa học - công nghệ đồng bộ, có đủ thể chế, tài chính, nhân lực và cơ chế vận hành hiệu quả. Đây không phải là một mục tiêu xa vời, mà là điều Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nếu các ý kiến từ diễn đàn không dừng lại ở khẩu hiệu, mà sớm được thể chế hóa bằng hành động cụ thể từ các cơ quan chức năng.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Cơ hội ấy đến từ nội lực trí thức, từ các chính sách chuyển đổi số, và từ tinh thần cởi mở của thời đại. Tuy nhiên, nếu không có một cơ chế đủ mạnh để gom các nguồn lực ấy lại thành một hệ sinh thái hiệu quả, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng.
Chìa khóa để bước vào kỷ nguyên mới không phải là công nghệ, mà là cơ chế để công nghệ phát huy giá trị. Và cơ chế ấy, như Diễn đàn lần thứ 6 đã cho thấy, cần được bắt đầu ngay từ hôm nay với tư duy cải cách, sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là vai trò dẫn dắt của thế hệ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.