Apple, Microsoft và Google đang lên kế hoạch “tháo chạy” khỏi Trung Quốc. Đây là sự "bộc phát" do dịch COVID-19 hay điều tất yếu?
Ba gã khổng lồ công nghệ của Hoa Kỳ được cho là đang tiến hành các bước chuẩn bị cuối cùng để chuyển dịch dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, văn phòng và công nghệ của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á khác.
Có thể nói, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mới đây là sự bùng phát của dịch bệnh Sars-Cov-2 đang là “giọt nước tràn ly”, tác động mạnh mẽ đến việc “dứt áo ra đi” của các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới tại Trung Quốc.
Quay ngược lại thời gian cuối tháng 10/2019, tập đoàn Samsung đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Huệ Châu Trung Quốc. Nhà máy của Samsung tại đây bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1993, có những thời điểm lượng công nhân tại nhà máy lên đến gần 10.000 người, điện thoại Samsung xuất khẩu có lúc hơn 70 triệu chiếc/năm. Tuy vậy, sau một thời gian dài “gá nghĩa” cùng nền kinh tế Trung Quốc, Samsung cũng đành ngậm ngùi “rời cuộc chơi” sau những khó khăn bủa vây tình hình sản xuất của mình.
Giá nhân công, thị phần và cuộc chiến thương mại mới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc ra đi của tập đoàn sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới tại Trung Quốc. Không phải tự dưng mà Samsung lên lộ trình rời bỏ nơi được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, nơi mà hầu hết các “ông lớn” của ngành công nghệ thế giới đặt cơ sở sản xuất.
Tiếp bước Samsung, nhiều công ty sản xuất của Hàn Quốc khác cũng chuẩn bị rút chân ra khỏi Trung Quốc. Hyundai Motor, Kia Motors và LG Electronics đều đang tính đường “tháo chạy”. Theo giới chuyên môn nhận định,đây có thể là hành động nhằm tránh sự lệ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc. Các công ty của Hàn Quốc tiên lượng rằng, những yếu tố như cạnh tranh từ các công ty nội địa Trung Quốc, căng thẳng địa giới, chính trị và chính sách kinh tế “ái kỉ” của Trung Quốc có thể sẽ khiến các công ty của Hàn Quốc gặp rủi ro.
Hyundai đã công bố tạm dừng sản xuất tại nhà máy công suất 300.000 xe/năm gần Bắc Kinh vào tháng 5 vừa qua. Kia cũng thông báo sẽ dừng sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô vào tháng 6. Trong khi đó, LG Electronics cho biết họ đã chuyển tất cả dây chuyển sản xuất máy lạnh xuất khẩu tới thị trường Mỹ từ nhà máy ở tỉnh Chiết Giang về Hàn Quốc.
Google và Microsoft đều đang mở rộng dây chuyền sản xuất các sản phẩm phần cứng tiêu dùng để bổ khuyết cho các dịch vụ đám mây và phần mềm của họ, nhằm bắt chước và đuổi kịp “hệ sinh thái người dùng” của Apple. Họ dường như đã “nai nịt” sẵn sàng để di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc bởi sự “gọn nhẹ” và “tinh giản” hơn trong cơ cấu sản xuất. Còn các công ty khác chủ yếu tập trung vào phần cứng truyền thống như Apple, HP và Dell, vốn lệ thuộc sâu vào nền tảng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được cho là sẽ gặp khá nhiều khó khăn để có thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn từ Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ Nikkei, điện thoại Pixel thế hệ tiếp theo của Google sẽ được sản xuất tại Việt Nam và ở Thái Lan cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy cho các sản phẩm “smarthome” của họ, như Nest Mini và các loa thông minh kích hoạt bằng giọng nói khác, để có thế xuất xưởng vào nửa đầu năm 2020. Microsoft cũng đang nỗ lực bắt tay vào chuẩn bị sản xuất dòng máy tính “Surface” tại Việt Nam, có thể sẽ ra mắt sớm nhất vào quý II tại miền Bắc Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh nghiệm, mạng lưới nhà cung cấp và kiến thức của Trung Quốc vẫn là một “cái bóng” quá lớn phủ lên khắp châu Á, rất khó để nhân rộng các mô hình này trên quy mô tương tự. Theo nhiều chuyên gia, các hãng công nghệ hàng đầu thế giới đang tìm thấy ở Trung Quốc sự linh hoạt và độ chuyên sâu về quy mô sản xuất khi so sánh với các thị trường khác.
Có thể bạn quan tâm
16:43, 19/02/2020
04:22, 14/02/2020
12:00, 26/12/2019
Nhiều công ty đã và đang chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng đồng thời, họ cũng đã vấp phải những thiếu sót của các địa điểm mới, cơ sở mới vận hành không trơn tru bằng nhưng chúng sẽ rẻ hơn và điều quan trọng là ít rủi ro hơn. Có thể nói, trong vòng vài năm qua, các công ty đã nhận ra rằng họ ngày càng trở nên mất cân đối, dựa quá nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Động thái lần này của ba “ông lớn” trong ngành sản xuất công nghệ có thể sẽ là “phát súng” báo hiệu cho sự dịch chuyển toàn cầu mang tính bước ngoặt.
Cuối cùng, Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cuộc chiến tranh này có thể chỉ là công cụ để khởi đầu cho những hành động tiếp theo của Mỹ. Mục tiêu của Trump “Trung Quốc phải thay đổi” theo cái cách mà Trump gọi là “chân chính” hơn, “đúng luật” hơn và “lành mạnh” hơn.
Việc phải căng mình ra chống đỡ những hệ lụy từ dịch bệnh mới đây, đồng thời dồn sức cho cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể sẽ là “cọng rơm” cuối cùng trên lưng con lạc đà Trung Quốc.
Dường như các “đại gia công nghệ” đang tiên liệu những “điềm gở” nơi thị trường đông dân nhất thế giới. Việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất có thể sẽ là điều tất yếu khi mọi sự đang được họ vạch ra một cách hết sức rõ ràng và dứt khoát trong kế hoạch.