Khẳng định vị thế của Việt Nam đã khác trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải đề nghị các hãng tàu tôn trọng thị trường, cẩn trọng trước các điều chỉnh.
>>>"Thả nổi" phụ phí cho hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập gặp "bão phí"
Như DĐDN đã thông tin, sau Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT, từ đầu tháng 2/2024 hàng loạt hãng tàu thông báo tăng phụ phí THC 10-20% đang đè nặng áp lực lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics trong bối cảnh cước vận chuyển đường biển vốn đã “leo thang” do xung đột Biển Đỏ.
Theo đó, mức tăng giá dịch vụ THC trung bình từ 3-22%, mức giá trung bình giao động từ 120-155 USD/cont20’ và 180-270 USD/cont 40’. Mức thu giá cao nhất là Hãng tàu Pancon: 3,4 triệu/cont20’ và 6,57 triệu/cont40’, tương ứng 140 USD và 270 USD.
Ngoài ra, một số phụ thu khác cũng tăng như: Phí vệ sinh container của hãng TS Lines tăng 40% từ 1/2/2024 (từ 150.000 lên 210.000 VNĐ đối với container 20’, từ 300.000 lên 420.000 đối với container 40’); Phụ thu DOC và DOF (phụ thu chứng từ) của hãng MSC tăng 12,5% từ 1/2/2024 (Từ 800.000 tăng lên 900.000 VNĐ). Hãng tàu Yang Ming đã có thông báo giảm các phụ thu khác ngoài THC trong các tháng 2 và tháng 3/2024, trừ phụ thu cân bằng hàng nhập khẩu (tăng 30%, từ tháng 3/2024).
Đáng nói hơn, mức giá các loại phụ thu do hãng tàu tự quyết định và ấn định thu của khách hàng mà không có sự thỏa thuận giữa hai bên. Giá các loại phụ thu của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ thu. Do vậy, cần thiết phải ban hành cơ chế quản lý cao hơn cơ chế niêm yết giá.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hiện nay các chủ hàng Việt Nam là những chủ hàng nhỏ, lẻ, trong khi các hãng tàu đang vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều là các hãng tàu lớn. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng về quy mô và trong lợi thế đàm phán.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, đã có tình trạng hãng tàu đã chạy 15 ngày mới hồi tố, thông báo thu thêm phí THC đối với chủ hàng. Đây là điều bất hợp lý và dồn chủ hàng vào thế khó, vì nếu không nộp phí, sẽ không thể lấy được hàng.
>>>Đưa phụ phí của hãng tàu nước ngoài vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá
Theo ông Trần Thanh Hải, hiện nay, Việt Nam đã có vị thế khác với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam cũng là nơi các hãng tàu đang tạo nguồn doanh thu lớn.
Do đó, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các hãng tàu thay đổi cách nhìn và tôn trọng thị trường Việt Nam. Xem xét cẩn trọng trước khi có những điều chỉnh tác động đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Các Hiệp hội cũng cần chủ động làm việc với các hãng tàu. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận và thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ can thiệp.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, thanh tra, kiểm tra các hãng tàu liên quan để xác định bản chất các vấn đề nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc tồn tại.
Đặc biệt, để tăng cường quản lý phụ thu, Cục Hàng hải đề xuất Bộ Tài chính là cơ quản chủ trì quản lý giá, hiện nay Luật giá năm 2023 đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024, trên cơ sở đó Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn luật giá năm 2023.
Để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ GTVT đã có văn bản số 14643/BGTVT-TC ngày 21/12/2023 gửi Bộ Tài chính, theo đó đã đề xuất Bộ Tài chính bổ sung Phụ thu của hàng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá năm 2023.
“Theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP thì giá phụ thu của hãng tàu đối với hàng hóa thuộc danh mục niêm yết giá; hãng tàu tự quyết định các loại phụ thu và mức giá, trong trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày trước khi áp dụng mức giá mới. Việc niêm yết giá không quản lý được tình trạng các hãng tàu tăng giá và tăng các loại phụ thu như hiện nay. Một số loại phụ thu không phản ánh đúng chi phí giá thành, ví dụ phụ thu chứng từ, hãng tàu đang thu với giá 800.000-900.000/bộ”, Cục Hàng hải nêu lý do đề xuất.
Theo cơ quan đề xuất, sau khi "Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển" được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá.
"Theo đó, các hãng tàu khi áp dụng phụ thu giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển phải nộp kê khai với cơ quan quản lý, trường hợp thay đổi mức giá phải xây dựng cơ cấu giá thành và báo cáo cơ quan quản lý. Sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận, hãng tàu mới được áp dụng. Với cơ chế này sẽ tăng cường công tác phụ thu của hãng tàu", Cục Hàng hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế quản lý tuyến vận tải cố định vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Bộ Luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
Bởi theo quy định hiện nay, hãng tàu cung cấp dịch vụ vận chuyên hàng hóa container băng đường biển khi hoạt động tại Việt Nam không phải dăng ký tuyên vận tải cố định, do đó việc mở tuyến, hủy tuyến, bổ sung hay rút tàu đều do hãng tàu tự quyết định. Trong thời gian qua đã có nhiều trường hợp hãng tàu bỏ chuyến, chậm chuyến ảnh hưởng đến lịch trình vận tải và kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Cục Hàng hải, việc đăng ký và quản lý tuyến vận tải cố định góp phần bảo đảm các hãng tàu thực hiện vận tải theo đúng lịch trình và kế hoạch vận tải. Đồng thời, việc quản lý tuyến giúp cơ quan nhà nước điều tiết được hoạt động của cảng biển để phù hợp với công suất được quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 13/03/2024
02:00, 05/03/2024
13:21, 19/02/2024
11:29, 06/02/2024