Xã hội

Các hoạt động quảng cáo thuốc lá mới nhằm vào giới trẻ

Thanh Hải 23/08/2024 11:19

Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng ở thanh thiếu niên trên thế giới và Việt Nam.

Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.

Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.

Tại Việt Nam, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy, nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, sự tham gia tích cực của các bộ ngành, các tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTH của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ.

Thuốc lá điện tử
Thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe

Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy:

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020: tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và mức độ lan nhanh trong cộng đồng, cùng với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.

Tăng cường các biện pháp thực thi cấm toàn diện các hoạt động quảng cáo thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số và thông qua việc sử dụng lao động trẻ em trong việc mua bán, trồng cây thuốc lá .

Nhiều nghiên cứu cho thấy các công ty thuốc lá đang tích cực sử dụng các kênh truyền thông, trong đó kênh mạng xã hội được chú trọng để tiếp cận người sử dụng ở mọi lứa tuổi nhằm tạo ra những người hút mới, trong đó đặc biệt là nhằm vào giới trẻ. 150 triệu người trẻ, trong đó có 16 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đã tiếp cận với các thông tin quảng cáo về thuốc lá trên mạng xã hội. Một số cách tiếp cận giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá trên toàn cầu gồm: Tiếp thị sản phẩm bằng cách sử dụng các thiết kế, bao bì hấp dẫn với trẻ em dưới nhiều hình thức; thêm các hương vị, mùi phổ biến hấp dẫn để thu hút trẻ em; thực hiện tài trợ cho người nổi tiếng và cuộc thi của thương hiệu; mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại tại các điểm bán hàng gần trường học; tiếp thị sản phẩm thuốc lá thông qua mạng xã hội và máy bán hàng tự động; thực hiện các quảng cáo trả tiền trên các mạng xã hội; sử dụng đa dạng các hình thức như giảm giá, tổ chức các cuộc thi và khuyến mại quà tặng…

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp, thực hiện các lệnh cấm tiếp thị trong nước và xuyên biên giới đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá và nicotine, đồng thời tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định hiện có, bao gồm việc hợp tác với các chính phủ khác để xác định và loại bỏ hoạt động tiếp thị bất hợp pháp xâm nhập vào lãnh thổ mỗi nước.

Chính phủ các nước nên tăng cường các biện pháp thực thi cấm toàn diện các hoạt động quảng cáo thuốc lá và nicotine trên các nền tảng số, mạng xã hội và trên các phương tiện giải trí; hướng tới cấm hoàn toàn các hoạt động trách nhiệm xã hội của công ty thuốc lá.

Tăng cường bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức trẻ em, thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả bao gồm: thực hiện môi trường không thuốc lá; tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70-75% giá bán lẻ; cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ; lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các hoạt động quảng cáo thuốc lá mới nhằm vào giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO