Từ Dubai, các ngân hàng phát triển đa phương đã đưa ra một tuyên bố chung trình bày những hành động cấp thiết và cụ thể để gia tăng quy mô tài trợ và nâng cao việc đo lường kết quả khí hậu.
>>>Vì sao các nước nghèo nên cẩn trọng với tài chính khí hậu?
Cùng với đó, các ngân hàng phát triển đa phương (NHPTĐP) tuyên bố đẩy mạnh hợp tác cấp quốc gia và tăng cường đồng tài trợ cũng như sự tham gia của khu vực tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuyên bố chung này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại COP28 ở Dubai.
Thông điệp của các NHPTĐP nêu rõ: “Cánh cửa cơ hội để bảo đảm một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người đang đóng lại nhanh chóng. Nhận thức được mối liên hệ giữa ba cuộc khủng hoảng hành tinh về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm, việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh–Montreal (GBF) đòi hỏi tất cả chúng ta phải tăng cường nỗ lực một cách khẩn trương trên quy mô lớn”.
Ông Warren Evens, Đặc phái viên về Khí hậu của ADB, cho biết: “Hợp tác giữa các NHPTĐP là hết sức quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là một nhiệm vụ lớn và phức tạp, cần được khẩn trương thực hiện ngay từ bây giờ. Với vai trò là ngân hàng khí hậu của Châu Á và Thái Bình Dương, ADB cam kết tăng cường nguồn tài trợ khí hậu hết sức cần thiết từ nguồn lực tự thân và thông qua quan hệ đối tác để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của ngân hàng cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng trước tác động của khí hậu”.
>>>Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 3: Bàn về tài chính khí hậu
Trong tuyên bố chung, các NHPTĐP tái khẳng định cam kết của mình đối với hành động khí hậu và phát triển bao trùm về mặt xã hội, đáp ứng giới và tích cực với tự nhiên, phát huy các sứ mệnh khác nhau và tận dụng các mạng lưới khách hàng và quốc gia, các mô hình hoạt động, khu vực địa lý và chuyên môn riêng biệt. Các NHPTĐP sẽ đạt được mục tiêu này thông qua: Tăng cường tập trung vào việc đo lường kết quả, đầu ra và tác động về khí hậu; Hỗ trợ có phối hợp cho các quốc gia và thể chế địa phương trong việc xây dựng và triển khai các Chiến lược dài hạn (LTS); Hợp tác cấp quốc gia; Thu hút nguồn vốn tư nhân với quy mô lớn; và Hỗ trợ các nỗ lực nâng cao về thích ứng và quản lý rủi ro thiên tai.
Những cuộc khủng hoảng về khí hậu và sinh thái gắn liền với nhiều thách thức toàn cầu khác. Các NHPTĐP cũng cam kết tăng cường hợp tác phù hợp với các sứ mệnh và khuôn khổ quản trị tương ứng về thiên nhiên, nước, y tế và giới.
Tuyên bố chung của các NHPTĐP được xây dựng dựa trên những tiến bộ và kết quả chính đã đạt được cho đến nay. Trong năm 2022, các NHPTĐP đã cung cấp tài trợ khí hậu và huy động tài chính tư nhân ở mức kỷ lục. Cùng với nhau, các NHPTĐP đã cam kết 61 tỉ USD tài trợ khí hậu cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, tăng 18% so với năm 2021; và gần 100 tỉ USD ở tất cả các nền kinh tế nơi họ hoạt động. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tài trợ cho thích ứng khí hậu chiếm 37% số tài trợ cam kết và tổng số tiền đồng tài trợ cho khí hậu đạt 46 tỉ USD, trong đó 15 tỉ USD là huy động tài chính tư nhân.
Ngoài ra, các NHPTĐP tiếp tục nỗ lực điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris bằng cách sử dụng khuôn khổ chung được công bố tại COP24. Đặc biệt, vào năm 2023, các NHPTĐP đã công bố Nguyên tắc phương pháp luận chung của NHPTĐP để đánh giá sự phù hợp của các hoạt động mới với Thỏa thuận Paris và đang hỗ trợ các nỗ lực chuyển dịch công bằng trong các bối cảnh và khu vực đa dạng.
Có thể bạn quan tâm
Rộng cửa đón tài chính xanh: Cần tư duy chính sách xanh
11:00, 13/11/2023
Khơi nguồn tài chính xanh và quản trị xanh
14:52, 17/11/2023
Tài chính xanh và kinh tế số: Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
05:28, 29/11/2023
Phát triển thị trường tài chính xanh nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
05:05, 27/10/2023